Nhức nhối vấn đề yến giả

Trước đó, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long tiến hành kiểm tra cửa hàng phân phối thực phẩm V.P do bà H.T.T làm chủ, địa chỉ tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu thực phẩm nước yến sào 3% tổ yến để đánh giá chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 khẳng định, lô thực phẩm nước yến sào 3% tổ yến, loại 190ml/lon, ngày sản xuất 01/06/2022 không đạt chất lượng, cụ thể mẫu kiểm nghiệm thuộc trường hợp là hàng giả về chất lượng, công dụng.

Yến sào bị làm giả tinh vi, người dùng cần tỉnh táo.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Long Hồ xử lý theo quy định pháp luật.

Theo các chuyên gia, yến sào được dùng để bồi bổ sức khỏe, chính vì thế trên thị trường hiện xuất hiện nhiều nơi làm và buôn bán yến giả. Để qua mắt người tiêu dùng, người làm yến giả càng ngày càng sử dụng công nghệ tinh vi. Do đó, khách hàng cần tìm đúng chi nhánh, cửa hàng của công ty để mua, khi nhận hàng cần kiểm tra kỹ tem chống hàng giả, logo công ty, bao bì phải còn nguyên vẹn không có dấu hiệu đã khui mở; giá cả niêm yết rõ ràng… Nếu là hàng nhập khẩu phải có giấy tờ rõ ràng, địa chỉ cụ thể, thương hiệu đã được chứng nhận.

Đối với nước yến nên chọn loại có sợi dài và còn nguyên sợi, đây là những loại yến nguyên tổ, không vụn, có chất lượng cao. Sợi yến còn nguyên cho thấy yến được sản xuất với quy trình khép kín, hiện đại và đảm bảo vệ sinh. Nước yến sào thường có màu vàng tự nhiên do sản xuất từ loại yến thiên nhiên chứ không trắng đục, được tinh chế kỹ lưỡng và không có các chất bảo quản gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

Với các sản phẩm nước yến sào chất lượng thì khi nhai thử, bạn sẽ cảm nhận độ giòn dai, tươi ngon của sợi yến, hương vị thanh và không ngọt gắt.

Cần xử lý nghiêm người bán yến giả

Theo luật sư Phạm Quốc Hưng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người buôn bán yến giả có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013 về xử lý hành chính, việc buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (nếu hàng giả tương đương hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng). Mức phạt sẽ tăng dần (theo giá trị hàng giả tương đương với hàng thật) từ 1.000.000 đồng tới 30.000.000 đồng và có thể tới 50.000.000 đồng nếu trị giá hàng giả tương đương hàng thật vượt quá 30.000.000 đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

BLHS hiện hành quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người buôn bán hàng giả là thực phẩm… có thể bị xử phạt hình sự thấp nhất 2 năm tới 7 năm tù; và từ 7 năm đến 12 năm tù, 12 năm đến 20 năm tù, tùy tính chất mức độ sai phạm; thậm chí nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị tù chung thân, tử hình: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.