.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn.

Yêu cầu xử lý triệt để các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhất là các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho tín dụng đen hoạt động.

Phát biểu kết thúc hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cả ngày 10/8, với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tích cực triển khai chuyên đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng.

Kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng băng nhóm hoạt động tín dụng đen. Có giải pháp đấu tranh hiệu quả với các hình thức tín dụng đen qua mạng xã hội, các app và website, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ông Huệ cũng nhấn mạnh yêu cầu xử lý triệt để các vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen, nhất là các vụ án liên quan đến cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho tín dụng đen hoạt động. Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân không chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn, nhưng các đơn vị, địa phương khác lại phát hiện và xử lý.

Tại địa bàn của mình thì không lo, không phát hiện, người khác bên ngoài lại phát hiện, cũng phải xem xét trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức và lực lượng trên địa bàn, Chủ tịch Quốc hội nói.

Yêu cầu tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội nêu sau chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an là triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn và chiếm đoạt tài sản.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia. Sớm hoàn thành ban hành nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng.

“Chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ trao đổi là đã đến lúc phải ban hành nghị định để cho Luật An ninh mạng được vận hành trên thực tế”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung để ban hành mới nghị định về cá cược bóng đá, đua ngựa, đua chó và phát triển ngành nghề dịch vụ này để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo điều kiện quản lý chặt chẽ hoạt động này, ngăn ngừa, hạn chế đánh bạc, cá cược trái phép.

Vẫn trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội, báo chí. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước .

Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ Công an cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng, xử lý căn cơ tình trạng SIM rác.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ, chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam trên các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, ông Huệ nêu rõ.

Nội dung tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội nêu là sớm ban hành các nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Chính phủ cần phải trình cơ quan có thẩm quyền và sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thẩm quyền ban hành là của Chính phủ. Đấy là đối với những nghị định chưa có luật, còn gọi là nghị định không đầu”, ông Huệ lưu ý.

Hậu chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin kết nối dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công phục vụ Nhân dân.