Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.

Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng. Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các Nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì phối hợp các Bộ ngành và các địa phương triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 10/2022.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, cách đây 17 năm, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị Quyết 54-NQ/TW cho các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Hồng.

Đây là Nghị quyết rất quan trọng để các tỉnh, thành, trong đó có Thành phố Hải Phòng có cơ sở để tích cực triển khai, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong suốt thời gian qua. Từ khi có Nghị quyết 54, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng luôn xác định và thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo: Đó là xây dựng, phát triển Thành phố không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho khu vực và cả nước; đồng thời, định hướng xây dựng, phát triển Hải Phòng không chỉ cho nội tại, địa giới hành chính Thành phố mà phải đặt trong mối liên kết, tạo sự lan tỏa tới các tỉnh, thành phố lân cận. 

Thời gian qua, quy mô kinh tế TP.Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội.

.
 Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 đạt 315,7 nghìn tỷ đồng, gấp 14,8 lần so với năm 2005. Cơ cấu ngành kinh tế thành phố chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng mạnh từ 84,91% năm 2005 lên 90,21% năm 2021; khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 12,96% năm 2005 xuống còn 3,97% năm 2021.

Xuất hiện nhiều ngành, nghề, lĩnh vực mới trong nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và vùng.

Hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển. Đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có kết nối với Hạ Long; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Đường và cầu ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (đường thủy nội địa); Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan – cầu Nghìn; đang triển khai tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng -Thanh Hóa…

Ông Trần Lưu Quang cũng mong muốn, thông qua Hội nghị Tổng kết Nghị quyết này, Hải Phòng sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm có giá trị, nhằm góp phần xây dựng chủ trương, định hướng mới để phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho Hải Phòng cũng như các địa phương khác và cho cả vùng.

Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ.TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng
Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ.TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết Nghị quyết, theo đó, thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, các cấp, các ngành nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 – 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. 

Tuy nhiên, kinh tế – xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng.

Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập; tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành.

Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững, quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế; việc cải tạo chung cư cũ và di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.

Phải biểu tại Hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến 2050.

,
Ôg Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Bởi Thủ tướng đã phê duyệt tại Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời ký 2021-2020, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh trong đó Hà Nội trở thành đại đô thị thông minh dẫn dắt cả vùng.

Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được về liên kết vùng. Thực tế trong thời gian qua, việc liên kết vùng đã được các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng chủ động liên kết, chủ động kết nối tạo ra không gian phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ…

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng của Thường trực Tổ Biên tập; sự tham gia, đóng góp ý kiến tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của các đ/c lãnh đạo Bộ ngành, Thường trực Tỉnh ủy, thành ủy các địa phương trong vùng đặc biệt là sự phối hợp của Thành ủy Hải Phòng

Ông cũng đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, xuất phát từ thực trạng phát triển vùng, địa phương và từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các đại biểu, cho rằng các ý kiến đã cung cấp thêm các thông tin và là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo, Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW; những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đánh giá bối cảnh tình hình mới và từ đó đề xuất các ý kiến về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.