Việt Nam đã đi sâu vào trái tim tôi, tâm trí tôi

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam 

Tôi tìm hiểu về Việt Nam từ khi 12 tuổi. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi may mắn nhận được học bổng của nhiều nước. Tôi đã không hề dè dặt chút nào và chọn Việt Nam ngay lập tức.

Dần dần, tôi trở thành một người có tâm hồn Việt Nam và Việt Nam đã đi sâu vào trái tim tôi, tâm trí tôi, lý trí của tôi. Việt Nam đã, đang và sẽ mãi mãi là quê hương của tôi, không khác gì với đất nước Palestine nơi tôi sinh ra.

Tôi là một trong số ít người nước ngoài đã sống ở Việt Nam và đã theo dõi những bước phát triển của đất nước Việt Nam 42 năm qua, từ năm 1980 đến nay.

Tôi có thể khẳng định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã có những bước phát triển to lớn, mà tôi có thể viết cả một cuốn sách.

Không chỉ vượt qua khó khăn, sự vươn mình mạnh mẽ của “đất nước hình chữ S” trên mọi lĩnh vực đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc, ngưỡng mộ và đánh giá cao tất cả những điều đó.

Hôm nay, tôi rất vui khi có mặt tại Việt Nam vào dịp 77 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.

Tôi chúc người Việt Nam tiếp tục có những đóng góp lớn lao cho đất nước mình, để Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng hơn trên bản đồ thế giới. Việt Nam ngày càng trở thành một thành viên tích cực không chỉ đóng góp vào việc thúc đẩy những mối quan hệ song phương, đa phương, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của hành tinh, cho nền hòa bình lâu dài của nhân dân thế giới.

Tôi tin rằng, lòng kiên trì, tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam sẽ đóng góp cho việc xây dựng nền hòa bình lâu dài trên thế giới.

Mê hoặc bởi công trình kiến trúc và sự nồng ấm của người dân
TS-KTS Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam

Tôi đã yêu Việt Nam ngay từ lần đầu tới đây vào năm 1997, lúc còn là sinh viên Trường đại học Kiến trúc Paris. Khi đó, tôi đã bị hàng loạt công trình kiến trúc và sự nồng ấm của người dân mê hoặc, nên đã quyết định làm luận án tiến sĩ với chủ đề “Kiến trúc nhà ở của Việt Nam”. Tôi chủ động kéo dài thời gian nghiên cứu tới 12 năm (1997 – 2009) để có những hiểu biết sâu sắc, toàn diện nhất về phong tục, tập quán của người dân khi chuyển đến sống ở những không gian kiểu mới.

Sau đó, khi đang giảng dạy tại Trường đại học Kiến trúc Paris, năm 2011, Vùng Ile-de-France đề nghị tôi làm Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX – Vietnam). Với sự hiểu biết của mình và tình yêu Việt Nam, tôi nhận lời ngay. Gia đình tôi đã sống ở Việt Nam 11 năm và chúng tôi dự định sẽ sống ở đây nhiều năm nữa.

“Dải đất hình chữ S” như một “thực thể sống” giàu xúc cảm, có lắng đọng, có vui – buồn, có hân hoan, náo nức. Tôi tin, chừng nào Việt Nam còn giữ được bản sắc, thì khách du lịch sẽ tìm đến, mà trong số những vị khách đó, tôi tin, có rất nhiều chuyên gia, nhà đầu tư sẽ muốn chọn Việt Nam làm “tổ ấm”.

Việt Nam là quốc gia có tâm hồn của những ngôi làng

Doanh nhân Yoon Kyu Hee (Hàn Quốc),  Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán tư vấn tài chính quốc gia (NAFICO)

 Khi 3 tuổi (năm 1999), tôi theo bố mẹ sang Việt Nam sinh sống. Bố mẹ tôi đều là doanh nhân đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có tâm hồn của những ngôi làng. Mặc dù sống ở đất nước gần 100 triệu dân, nhưng tôi có cảm giác, cách mọi người đối xử với nhau giống như những người trong cùng một ngôi làng có 100 người vậy. Người nước ngoài đến Việt Nam cũng được hưởng cách đối đãi đó. Đó là cảm giác rất đặc biệt, không thể có ở nơi nào khác.

Việt Nam cũng là một quốc gia đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc.

Dù không sinh ra tại Việt Nam, nhưng hơn 20 năm lớn lên, trưởng thành, được “đất nước hình chữ S” nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tôi đã coi đây là quê hương thứ hai của mình và sẽ gắn bó ít nhất là đến khi nghỉ hưu. Tôi luôn khát khao trở thành một nhịp cầu kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, để quan hệ hai nước ngày càng gắn kết và rộng mở.

Người Việt rất sáng tạo, ứng xử linh hoạt, khéo léo

Nghệ sĩ Charlie Winston, quốc tịch Hoa Kỳ

Tôi đến Việt Nam năm 2010 để tìm hiểu, học tập về kinh tế chính trị Đông Nam Á và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn. Khi đó, tôi không nghĩ sẽ lập nghiệp và định cư lâu dài tại đây. Nhưng sau vài tháng, tôi nhận thấy cuộc sống ở đây khá cân bằng giữa làm việc và thời gian dành cho gia đình. Đặc biệt, người Việt rất sáng tạo, nổi trội về ứng xử linh hoạt, khéo léo. Khi gặp một vấn đề nào đó, họ luôn có cách giải quyết rất đơn giản. Tôi muốn học hỏi những điều đó, nên đã gắn bó với Việt Nam đến tận bây giờ.

Mối duyên với nghệ thuật của tôi khởi nguồn năm 2018 với vai sĩ quan quân đội Pháp tên Lee Jean trong phim “Giọt nước của dòng sông” của đạo diễn Trần Vịnh. Năm 2020, tôi lại được ông mời đóng vai sĩ quan Pháp Lơ Rát trong phim “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” và chính thức trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Cũng năm 2020, tôi đã có vai diễn để đời khi vào vai chính người lính Mỹ, trong vở “Duyên định” do NSND Lê Hùng đạo diễn.

Làm nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi muốn trở thành biểu tượng cho những đứa trẻ và người dân có thể thấy chàng trai đến từ nước Mỹ xa xôi yêu Việt Nam đến nhường nào.

Vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt và văn hóa bản địa đặc sắc

Doanh nhân Erwin R. Popov, Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo

Trước khi đảm trách vai trò Giám đốc điều hành Khách sạn Hà Nội Daewoo (từ năm 2015 đến nay), tôi đã từng khám phá hơn 120 quốc gia trên thế giới, nhưng tôi vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên trác tuyệt và văn hóa bản địa đặc sắc của Việt Nam.

Tôi đã có một hành trình khám phá Việt Nam bằng xe máy vô cùng đáng nhớ. Nếu như Hà Nội cổ kính, TP.HCM năng động, thì Mũi Né và Phan Thiết (Bình Thuận) thơ mộng, kỳ thú với những đồi cát trải dài như sa mạc hoang vu. Đà Lạt tinh khôi, thơm ngọt với các loại sữa, rau và trái cây và tình người nồng ấm. Nha Trang, Đà Nẵng phố biển làm mê động lòng người. Quy Nhơn hoang sơ, bình yên. Biển Tam Kỳ đẹp mỹ miều. Hội An cổ kính và có bánh mì ngon số 1 thế giới…

Với tôi, mỗi ngày sống và làm việc tại Việt Nam đều tựa như một chương đầy mới mẻ trong truyện “Nghìn lẻ một đêm” vậy.

Giờ đây, đại dịch trên thế giới dần được kiểm soát và các biên giới đã mở cửa, Việt Nam đang là một trong những quốc gia trở lại đường đua của ngành kinh tế xanh sớm nhất. Tôi tin, du khách đến Việt Nam sẽ có những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, khó quên.