Bà Lý Kim Chi cho biết, căn cứ Thông tư 01/2020 ngày 13/03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số văn bản khác về các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay một số doanh nghiệp đã được tiếp cận. 

Dù vậy, các doanh nghiệp thuộc FFA phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn trước; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó tiếp cận chính sách ưu đãi. 

Do đó, đại diện FFA kiến nghị UBND Tp.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xác định là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp do COVID-19 được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch.  

Bên cạnh đó, bà Lý Kim Chi cũng kiến nghị Chính phủ cần tăng cường xây dựng các chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh thay vì vẫn nộp rồi lại làm đơn xin xét nhận hỗ trợ.  

Đơn cử, căn cứ theo công văn 860/BHXH quy định việc cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng, nếu 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh. 

Tuy nhiên đến nay hầu hết các doanh nghiệp FFA phản hồi đều không được thực hiện. 

Bởi, quy định nay không chỉ với các ngành chế biến thực phẩm, mà đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày, vận tải hàng hoá đường bộ,…chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người mất việc.  Nếu như vậy, doanh nghiệp gần như đã “chết lâm sàng”.

Với nguy cơ này thì gần như doanh nghiệp sẽ cận kề phá sản và không thể vực lại được sau khi dịch được kiểm soát cũng như không thể xoay sở nguồn vốn để đóng các khoản phí. 

.
Doanh nghiệp thuộc Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM cho rằng thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại do COVID-19 để vay vốn hiện nay quá phức tạp, rườm rà (Ảnh minh hoạ: ).

Mặt khác, bà Kim Chi cho rằng, việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí hay thước đo cụ thể. 

Các dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai (hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu,…đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai) cũng như để chứng minh có thể phải kéo dài hàng năm. 

Do đó, đơn vị này kiến nghị cho phép các doanh nghiệp được hưởng chính sách này không kèm theo điều kiện giảm trên 50% lao động hoặc thiệt hại 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh. 

FFA cũng kiến nghị thời gian gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất kéo dài thêm 7 tháng (thời gian tối đa theo quy định ban đầu là 5 tháng).

Bà Kim Chi lý giải, nếu tình hình dịch tại Việt Nam diễn biến theo chiều hướng tốt nhưng trên thế giới vẫn rất phức tạp thì 80% doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng trong việc sản xuất, kinh doanh (bởi lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu). 

Khi đó, việc giãn các thời hạn nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng kiến nghị miễn giảm 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân và thời gian áp dụng cho năm 2020. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là giải pháp hiệu quả, thiết thực và cấp bách nhất hiện nay”, bà Lý Kim Chi nói.