Vì sao giá vàng tăng sốc?

Chỉ trong 1 ngày, giá vàng trong nước tăng tới 3 triệu đồng/lượng, biên độ chênh lệch giá mua – bán được doanh nghiệp (DN) giãn rất rộng. Đáng chú ý, lần đầu tiên trong nhiều năm, giá vàng SJC cao hơn thế giới tới 2 triệu đồng/lượng.

Loạn giá, dù không có cảnh xếp hàng

Ngày 24-2, do tác động từ thị trường vàng thế giới, cộng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngay khi vừa mở cửa giao dịch, mỗi lượng vàng SJC đã tăng thêm gần cả triệu đồng so với hôm cuối tuần, lên mức 46,4 triệu đồng/lượng mua vào, 46,9 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong ngày, giá vàng liên tục được các DN kinh doanh vàng và ngân hàng (NH) thương mại điều chỉnh giá theo hướng nhảy vọt. Đến buổi chiều, giá vàng tăng đột biến lên 49 triệu đồng/lượng ở chiều bán, thậm chí có DN niêm yết tới 49,7 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC. Cuối ngày, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá mua vào 47,8 triệu đồng/lượng, bán ra 49 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán được đẩy lên 1,2 triệu đồng/lượng.

Một số DN khác vẫn neo giá vàng SJC ở mức rất cao như Tập đoàn DOJI niêm yết mua vào 44,7 triệu đồng/lượng, bán ra 49,3 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua – bán tới 1,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng đột biến gần 3 triệu đồng/lượng trong ngày 24-2. Ảnh: TẤN THẠNH

Giá vàng SJC tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đóng cửa ở mức 48 triệu đồng/lượng mua vào; 49,3 triệu đồng/lượng bán ra. Đáng chú ý, chỉ trong 1 ngày, NH này đã thay đổi bảng giá vàng tới 33 lần, cho thấy sự biến động bất thường của kim loại quý này.

So với hôm cuối tuần, giá vàng SJC đã tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, mỗi lượng vàng tăng đến 6,6 triệu đồng/lượng (tương đương mức tăng 15,5%).

Trên sàn quốc tế, giá vàng thế giới cuối ngày (theo giờ Việt Nam) tạm dừng ở mức 1.684 USD/ounce, tăng khoảng 40 USD/ounce so với cuối tuần trước, tương đương mức tăng 1,1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu quy đổi ra VNĐ, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng SJC khoảng 2 triệu đồng/lượng – mức cách biệt chưa từng có trong nhiều năm qua.

Thông tin từ một số DN vàng, dù giá vàng nhảy vọt lên đỉnh 9 năm nhưng thị trường vàng không có sự đột biến về cung cầu. Đại diện một số công ty vàng lớn ở TP HCM cho hay dù giá tăng tới 3 triệu đồng/lượng trong ngày và đang ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 đến nay nhưng giao dịch không đột biến.

“Không có tình trạng xếp hàng đi mua vàng như nhiều năm trước, lực cầu từ người dân cũng không tăng mạnh. Ngược lại, nhiều khách lẻ tranh thủ giá tăng nên đem vàng đi bán. Giá vàng tăng quá nhanh và quá cao là dấu hiệu rủi ro” – vị đại diện công ty này nói.

Giá còn tăng tiếp?

Phân tích thêm về yếu tố bất thường trên thị trường vàng trong ngày đầu tuần, chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh nói: “Giá vàng đang ở mức quá cao, cao nhất trong 9 năm qua và quá bất thường so với thế giới; chưa kể biên độ chênh lệch giá mua – bán lớn nên sẽ là rủi ro cho người mua vàng lúc này”.

Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải phân tích nếu tính từ thời điểm bắt đầu dịch bệnh Covid-19 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ ngưỡng 1.480 USD/ounce lên mức cao nhất 1.688 USD/ounce trong ngày 24-2, tương đương mức tăng 14%. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng tới 18%. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng, đà đi lên của giá vàng thế giới đã bằng tốc độ tăng của cả năm 2019; trong khi giá vàng trong nước cũng tăng gần 16% từ mức trên 42 triệu đồng lên vượt 49 triệu đồng/lượng…

Vì sao giá vàng tăng sốc? Ông Trần Thanh Hải cho rằng có nhiều yếu tố đang hỗ trợ giúp vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Những thông tin về tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ Trung Quốc, lan sang Hàn Quốc, Nhật, Ý, Iran… và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch chưa có điểm dừng trở thành yếu tố bất định với nhà đầu tư vàng.

Theo ông Hải, dịch xuất phát từ Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2, là công xưởng của thế giới nên đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, tới thị trường tiêu thụ, tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Để ứng phó, một số quốc gia đã tính tới gói kích cầu và vàng được hưởng lợi. Những ngày qua, thị trường chứng khoán nhiều nước cũng đỏ rực… càng khiến nhà đầu tư tìm đến kênh vàng. Thậm chí, giá vàng thế giới còn được dự báo hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce hoặc xa hơn là 2.000 USD/ounce.

Theo ông Trần Thanh Hải, giá vàng tăng nhanh cũng có thể giảm nhanh. Trong trường hợp tìm được vắc-xin phòng dịch Covid-19, giá vàng sẽ đảo chiều giảm mạnh. Do đó, nếu chỉ nhìn vào giá vàng có thể thấy thị trường vàng trong nước đang có “sóng” nhưng cuộc chơi này không dành cho người tay ngang, nên người dân lao vào mua bán vàng lúc này sẽ rất rủi ro. 

Trước diễn biến tăng sốc của giá vàng, tối 24-2, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khẳng định thị trường vàng trong nước giao dịch mua bán vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát giá thế giới.

Theo ông Minh, các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã giúp thị trường vàng ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc dùng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. “Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết” – ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.


THÁI PHƯƠNG