Theo Nghị định 87/2016/NĐ-CP, chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh, có địa điểm cụ thể và địa chỉ rõ ràng mới được bán mũ bảo hiểm. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu các hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, quy định trên chỉ hạn chế một phần, thực tế với công nghệ như hiện nay, các đối tượng đã chuyển hướng sang kinh doanh online với hình thức tinh vi hơn. Ở bài viết “Mũ bảo hiểm kém chất lượng “nở rộ” chợ mạng: Hệ lụy nhãn tiền”, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã phần nào phản ánh góc khuất kinh doanh mũ bảo hiểm giá rẻ. Để hiểu rõ hơn về thị trường mũ bảo hiểm, PV đã vào vai người mua buôn liên hệ tới xưởng sản xuất các sản phẩm mũ bảo hiểm nói trên và nhận được lời mời chào hấp dẫn như: “Mũ sỉ trực tiếp không qua trung gian, chuyên phân phối mũ chính hãng giá rẻ, đa dạng mũ thoải mái lựa chọn…”. Điểm chung của các xưởng sản xuất là chỉ giao dịch online, khi chốt được số lượng bao nhiêu mũ chủ cơ sở sẽ giao tận nơi, thích tem, nhãn của hãng nào xưởng đều đáp ứng được.

Mũ bảo hiểm được bán công khai nhưng chỉ giao hàng online.

Theo ghi nhận của PV, mũ bảo hiểm giá rẻ không chỉ bán trên mạng xã hội mà tại các vỉa hè, chợ tạm… cũng bày bán công khai với giá chỉ từ 20 nghìn đồng/1 mũ.

Thế nhưng, đội mũ bảo hiểm giá rẻ, không đảm bảo chất lượng không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông, việc mũ bảo hiểm kém chất lượng tồn tại trên thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm chân chính.

Để có sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tài chính để nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng,… Thế nhưng, nhiều sản phẩm khi vừa đưa ra đã bị làm giả, làm nhái với giá siêu rẻ. “Chúng tôi phải phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với thị trường mũ bảo hiểm giá rẻ vỉa hè, mũ bán tại cơ sở không có đăng kí kinh doanh. Người tiêu dùng thì cứ rẻ là mua thôi”, bà Đào Thị T, một chủ kinh doanh mũ bảo hiểm cho biết.

Thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc thu giữ số lượng lớn mũ bảo hiểm cùng nhiều tang vật liên quan để phục vụ công tác điều tra nhưng tình hình quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Theo đánh giá của lực lượng Quản lý thị trường, do nhu cầu sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng vẫn còn dẫn đến tồn tại một bộ phận người kinh doanh cung cấp các loại mũ không bảo đảm chất lượng giá rẻ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá mũ bảo hiểm bày bán trên thị trường không thống nhất gây khó khăn cho lực lượng Quản lý thị trường trong việc giám sát, kiểm soát, bình ổn giá ngăn chặn hành vi trục lợi bất chính.

Thêm vào đó, khi kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm lưu hành trên thị trường có vi phạm về chất lượng nhưng đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm ở địa bàn tỉnh khác, khi cơ quan chức năng mời đến giải quyết, đơn vị sản xuất không đến làm việc hoặc đến nhưng không thừa nhận mũ vi phạm do đơn vị mình sản xuất nên các lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xử lý. Mũ bảo hiểm được nhập qua các đường trôi nổi, không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc rõ ràng, được bày bán ở những cơ sở nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh và di chuyển cơ động gây khó khăn cho quá trình kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm phải thực hiện giám định, tuy nhiên công tác kiểm tra được triển khai đại trà trên phạm vi cả nước nên kinh phí giám định rất lớn, các địa phương không đủ kinh phí cho công tác giám định.

Vẫn còn nhiều người dân đội mũ kém chất lượng khi tham gia giao thông.

Từng trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để chiến dịch thành công và khắc phục tình trạng trên, hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng để bảo vệ chính mình. Việc tuyên truyền, giáo dục để toàn dân hiểu và biết cách nhận biết các loại mũ bảo hiểm là biện pháp quan trọng nhằm tránh tình trạng mua và sử dụng mũ không đảm bảo chất lượng. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thành công của chiến dịch, nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện tốt.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong các khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn, công tác phối hợp thực thi cần được triển khai thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thể hiện tích cực hơn trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chất lượng mũ bảo hiểm, tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để ngăn ngừa mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái lưu thông trên thị trường. Các cơ quan truyền thông và hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức cộng đồng để việc kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm từng bước đi vào nề nếp.