,
TS. Trần Du Lịch trao đổi tại Phiên thảo luận

Nhắc lại những khó khăn không thể tưởng nổi của TP. HCM cách đây 1 năm, khi cả khu vực rơi vào tâm điểm của dịch bệnh, TS. Trần Du Lịch cho rằng, các quyết sách, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi là rất kịp thời.

“Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn, từ quyết sách và thực tiễn là chậm”, ông nói khi thảo luận về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Thực tế, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, tham mưu và ban hành ngay Nghị quyết số 11 của Chính phủ để chuyển chương trình và trong nghị quyết thì cũng đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ đã phân công cụ thể, trong đó, đề ra 17 nhiệm vụ…

“Tuy nhiên, chính sách và quyết sách của Quốc hội là cấp cứu, nhưng “lái xe” không dùng đèn ưu tiên, chọn cách đi từ từ cho an toàn. Lý do có nhiều, có cả sự trùng trùng điệp điệp của quy định không rõ ràng, có cả nỗi lo sợ sai của các cơ quan hành chính…”, TS. Lịch chia sẻ.

Hệ quả các cơ chế, chính sách chậm đi vào thực hiện. Tình trạng này ảnh hưởng khá nhiều tới tốc độ phục hồi của nhiều doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã điều tra, chia ra làm 3 nhóm doanh nghiệp ở khu vực TP. HCM. Có thể chia thành 3 nhóm. Một là nhóm doanh nghiệp vấn đang hoạt động tốt, chỉ cần mở cửa, kết nối lại là họ hoạt động mạnh mẽ trở lại. Nhóm hai là nhóm doanh nghiệp vẫn có thị trường, chỉ cần vốn là phục hồi nhanh. Nhóm 3 là khó khăn, khó tiếp cận vốn, thiếu lao động, nợ chồng chất và đây số đông”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ tại phiên thảo luận bàn tròn về nội dung Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững của Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam diễn ra ngày 18/9.

Ngoài ra, một thành phần bị ảnh hưởng rất nặng nề là 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại tại TP. HCM, họ đóng góp rất lớn cho GDP, nhưng không thể vay được tiền và khả năng phục hồi rất chậm. Bên cạnh đó, do tắc nghẽn thủ tục nên một số lĩnh vực như ngành xây dựng phục hồi không được. Vì vậy, cần nhanh chóng rà lại hệ thống chính sách này triển khai thế nào.

Trên cơ sở này, ông đề nghị 3 giải pháp để thúc đẩy hiệu quả và tốc độ các giải pháp đang được triển khai chậm.

Một là, ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp. “Trong vấn đề này cần quan tâm đến khả năng hấp thụ vốn của một số ngành, lĩnh vực. Như các dự án liên quan đến đất là không thực hiện được, nên ngành xây dựng không phục hồi được. Vì vậy, cần tập trung gỡ vướng mắc trong thủ tục đất đai”, ông Lịch làm rõ.

Hai là, giữ ổn định vĩ mô. Với room tín dụng còn lại, khoảng 4%, cần bơm vào kênh để tạo sức lan tỏa nhanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Về đầu tư công, cần phối hợp tài chính tiền tệ – tài khóa để để nhanh đầu tư công, tránh tình trạng phát triển trái phiếu Chính phủ rồi để lại trong kho.

Ba là, phát triển các thị trường. “Sự cố cần giải quyết nhưng cần để thị trường trái phiểu doanh nghiệp trở lại, đỡ gánh nặng kênh tín dụng của ngân hàng”, ông Lịch nhấn mạnh.

Cuối cùng, ở TP. HCM có 8% lao động trong khu công nghiệp có nhà ở, cần có chính sách để xây nhà cho người lao động. Đây là điểm căn cơ, bền vững bên cạnh giải pháp tạm thời, trước mắt là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người  lao động.