Chính ph rt quyết đoán và hành động sm, giúp Vit Nam tránh được sai lm

Nhìn nhận Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế, Tiến sĩ John Walsh đánh giá, “Chính phủ đã rất quyết đoán và hành động sớm giúp Việt Nam tránh được những sai lầm của một số quốc gia khác”.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã bơm tiền một cách nhanh chóng khi nền kinh tế gặp khó khăn, ông cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu ngay lập tức. Tuy nhiên, TS. John Walsh cũng lưu ý, dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ. “Vì vậy, hỗ trợ tầng lớp lao động là quyết định đúng đắn về cả góc độ kinh tế và công bằng”, ông nói.

Tiến sĩ John Walsh
Tiến sĩ John Walsh

Ông dẫn chứng, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình doanh nghiệp nêu trên.

Ông cũng cho rằng cần lưu ý hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bởi đây là khu vực bị ảnh hưởng khá nặng, lực lượng lao động lớn, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó là lưu ý hỗ trợ những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm. Chính phủ cần triển khai song song cả chính sách về lãi suất và chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhỏ.

Nhận định Chính phủ đã đưa ra chính sách kết hợp cả chủ động và thụ động đối với thị trường lao động, TS. John Walsh cho rằng, cần lưu ý rằng nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở nên sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra ở các quốc gia khác nữa. “Nếu các chính phủ khác không hành động thích hợp thì nỗ lực của một chính phủ riêng lẻ sẽ không thể đạt được thành công như mong đợi”, ông nói.

Về lâu dài, cần có sự phối hợp và hợp tác lớn hơn nữa trong khối ASEAN để đưa ra các chính sách toàn khu vực trong những cuộc khủng hoảng như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm đầu tư công có thể được xem là giải pháp tốt hiện nay để tạo ra hiệu ứng lan tỏa nền kinh tế, TS. John Walsh phân tích, bơm tiền vào nền kinh tế giúp khôi phục niềm tin vào hệ thống nói chung và người thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu ngay lập tức, do đó làm tăng vận tốc lưu chuyển dòng tiền.

“Chúng ta đã thấy cách tiếp cận này thành công trong các giai đoạn suy thoái kinh tế trước đây, và hơn nữa, chúng ta đã thấy rằng cách tiếp cận ngược lại, thắt lưng buộc bụng hoặc giảm chi tiêu công, chưa bao giờ có hiệu quả”, ông dẫn chứng.

Đầu tư công có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng vật chất, vì xây dựng là quy trình thường cần rất nhiều lao động và hiện có nhiều dự án như vậy ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích. Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất, thì theo TS. John Walsh, có thể đầu tư vào ngành giáo dục, ví dụ như đầu tư cải tạo các trường tiểu học trên cả nước.

Cn trng vi chiến lược phi toàn cu hóa

Theo vị Tiến sĩ đến từ RMIT Việt Nam, rất khó để đưa ra nhận định chắc chắn do nhiều yếu tố về đại dịch còn chưa rõ ràng, như khả năng virus sẽ tiếp tục biến đổi, hay nguy cơ về đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai.

Tuy nhiên, ông John Walsh cho rằng có thể dự đoán về kinh tế Việt Nam ở giai đoạn nào đó trong tương lai khi dịch bệnh đã giảm và ổn định.

Dưới góc độ lạc quan, ông cho rằng mọi thứ phần nào sẽ trở lại bình thường dù nhu cầu sẽ tiếp tục thấp, khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm. Từ góc độ này, những nền tảng cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi và hoạt động thương mại sẽ được nối lại.

Dưới góc độ bi quan hơn, dịch bệnh có thể khiến nhiều quốc gia muốn tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu – lĩnh vực gần đây đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương, để theo đuổi chiến lược phi toàn cầu hóa. “Nếu điều đó xảy ra, kinh tế Việt Nam có thể gặp khó khăn trong dài hạn vì doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh”, TS. John Walsh cảnh báo.

Tiến sĩ John Walsh hiện là Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam. Ông nhận bằng tiến sĩ của Đại học Oxford vào năm 1997.

Tiến sĩ John Walsh đã giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học và tiến sĩ ở một số quốc gia và hướng dẫn hơn 20 nghiên cứu sinh tốt nghiệp bằng tiến sĩ. Ông có các đề tài nghiên cứu được tài trợ từ một loạt các đối tác quốc tế, bao gồm UNCTAD, GIZ, Bộ Công nghiệp (Lào), Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác.