.
Trưởng ban Dân nguyện, ông Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.

Trách nhiệm tiếp công dân: Huyện cao, tỉnh không cao, bộ thấp.

Đó là khái quát của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung này được Phó trưởng đoàn giám sát, Trưởng ban Dân nguyện, ông Dương Thanh Bình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/9.

Kết quả giám sát cho thấy, căn bệnh “trầm kha” có tên là “lười” tiếp công dân dù đã được nhắc nhở nhiều lần tại nghị trường, vẫn đang còn rất nặng.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.

Thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó.

“Thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo so với quy định của luật. Tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, Chủ tịch tỉnh đạt 56%, Chủ tịch huyện đạt 94%, Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định. Thủ trưởng một số cơ quan còn ủy quyền hoặc giao cho cấp phó tiếp thay còn khá phổ biến”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Cụ thể hơn ở các cơ quan  hành chính  nhà nước, báo cáo giám sát cho hay, trong kỳ báo cáo cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.781.675 lượt công dân, có 24.363 lượt đoàn đông người.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38% so với quy định (có 21 bộ ngành có số liệu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã tiếp định kỳ 381/960 ngày theo quy định).

Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 56% so với quy định (57 tỉnh có số liệu); trong đó, có Chủ tịch một số tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ cao hơn quy định như: Đồng Tháp (hơn quy định 59 ngày), Bà Rịa – Vũng Tàu (hơn quy định 22 ngày), Sóc Trăng (hơn quy định 13 ngày), Tiền Giang (hơn quy định 12 ngày).

Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 94% so với quy định (57 tỉnh có số liệu), trong đó có một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như: Cần Thơ (270%), Quảng Ninh (269%), An Giang (232%), Hải Phòng (192%), Ninh Bình (188%), Sơn La (130%)…

Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền cho cấp phó thực hiện nhiều, như: Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa…

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 49% so với quy định (57 tỉnh có số liệu), trong đó có một số địa phương có Chủ tịch UBND cấp xã tiếp dân định kỳ đủ và cao hơn theo quy định như: Bến Tre (102%), Điện Biên (107%) và Đăk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận (đạt 100%).

Đoàn giám sát cũng điểm danh một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ ít, chủ yếu là ủy quyền cho cấp phó thực hiện, như: Hà Nội, Nam Định, Sóc Trăng, Thanh Hóa…

Đáng chú ý là, kết quả giám sát còn cho thấy, quy định về thống kê báo cáo, số liệu tiếp công dân của người đứng đầu chưa rõ ràng, không có trong biểu mẫu, phụ lục thống kê dẫn đến số liệu không chính xác, độ tin cậy không cao.

Thậm chí vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, có nơi do thiếu cán bộ đã bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Từ thực tế trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời quan tâm hơn nữa và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.