Tuần qua, ngay những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã hoàn thành công tác nhân sự. Hai bộ Y tế và Giao thông – Vận tải đều có bộ trưởng mới, dù tỷ lệ phiếu tán thành phê chuẩn của Quốc hội thấp hơn nhiều so với các lần phê chuẩn nhân sự khác.

Lẽ thường, những người chuẩn bị nhận trọng trách mới sẽ nhận được những lời chúc mừng nồng nhiệt. Nhưng, một số vị đại biểu khi bắt tay tân bộ trưởng ngoài hành lang đã bày tỏ cả lời chúc mừng và sự sẻ chia. Có đại biểu, khi trao đổi với báo chí, đã nêu ra cả một núi khó khăn mà hai vị tân bộ trưởng phải đối mặt.

Đất nước vừa trải qua đại dịch, ngành nào cũng có khó khăn, nhưng để đến mức phải dùng đến hai chữ “tan nát” thì có lẽ chỉ riêng ngành y.

Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Đào Hồng Lan được đánh giá cao về chuyên môn, đã không đứng vững được trước sự càn quét của cơn cuồng phong mang tên “Việt Á”. Trong khi đó, những khó khăn của ngành y được tích tụ nhiều năm qua đại dịch đã bùng phát và người dân đang phải trả giá, bệnh nhân vào bệnh viện, từ cái bông gạc cũng phải tự đi mua.

“Nói thì dễ, làm thì khó, người đứng đầu ngành y hiện nay phải chịu áp lực cực kỳ lớn, nhất là khi vị đó lại không trưởng thành từ trong ngành. Nhưng ngoài chuyên môn, công tác quản lý của một bộ trưởng còn rất nhiều vấn đề khác, biết đâu người ngoài ngành lại có sự quyết đoán cần thiết”, một đại biểu có thâm niên trong ngành y chia sẻ quan điểm.

Không dễ cảm nhận như ngành y, nhưng ngành giao thông cũng đón vị “tư lệnh” mới với không ít thách thức.

Cho đến trước thời điểm ông Nguyễn Văn Thể được miễn nhiệm, lý do rời ghế giữa chừng của ông cũng chỉ được công bố là “theo nguyện vọng cá nhân và phân công của cấp có thẩm quyền”.

“Theo nguyện vọng cá nhân” ở một nghĩa nào đó cũng có thể hiểu là ông Thể muốn đảm nhận trọng trách phù hợp hơn. Đây cũng là việc khá hiếm.

Và ở một nghĩa nào đó, người kế nhiệm ông Thể cũng cần đến sự dũng cảm, bởi tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng không có chuyên ngành kỹ thuật, cũng chưa từng tham gia điều hành các công trình trọng điểm quốc gia.

Trong khi đó, ngành giao thông đang nắm giữ nguồn tiền khổng lồ (hơn 300.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2025), trong khi ngân khố quốc gia chưa bao giờ thôi eo hẹp. Thời điểm ngành giao thông có “tư lệnh” mới, cả nước đang ngổn ngang những dự án hạ tầng rất lớn, đều là những công trình trọng điểm quốc gia, như Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với một số dự án thành phần phải hoàn thành trong năm nay; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I) cũng đang không ít khó khăn; rồi hàng loạt dự án đường sắt đô thị ở hai thành phố lớn nhất nước hết đội vốn khủng lại trễ hẹn kỷ lục…

Sơ qua như vậy để thấy, nếu như có đại biểu đề nghị những vị được Thủ tướng Chính phủ giới thiệu làm bộ trưởng mới cần có chương trình hành động trong nhiệm kỳ cũng là có lý. Nhưng mặt khác, các thành viên Chính phủ mới cũng rất cần nhận được sự sẻ chia từ các vị vừa bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm họ. Mà, sự sẻ chia thiết thực nhất, trách nhiệm nặng nề nhất đằng sau lá phiếu chính là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc để “người mới” dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Ở kỳ họp này, theo nhận xét của một số vị đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự, nhưng bài toán xã hội hóa y tế chưa có lời giải, dự thảo luật vẫn “né” những vấn đề khó nhất để vực dậy ngành y và đảm bảo công bằng cho người dân.

Đó chỉ là một trong nhiều việc cụ thể mà các vị đại biểu Quốc hội có thể cho cử tri thấy rõ ngay trách nhiệm của mình, sau lá phiếu về nhân sự.