Sáng ngày 24/11, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh là tỉnh duyên hải nằm ở phía Đông Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp với tỉnh Bến Tre, phía Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông với 65 km bờ biển, có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Tận dụng được lợi thế trên, trong thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng lợi thế và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011-2020 đạt 7,61%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, nhất là ở khu vực công nghiệp; thu ngân sách năm 2020 gấp 6,7 lần so với năm 2011, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị, đến nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh vẫn còn hạn chế, khó khăn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh, cụ thể như: Tăng trưởng chưa bền vững, sản xuất còn phân tán, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và khu chức năng chưa đảm bảo cả số và chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển; thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu…

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, tỉnh Trà Vinh xác định nhiều giải pháp khắc phục; trong đó giải pháp đầu tiên là sớm lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng, làm định hướng phát triển của tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 20 năm tới.

Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, trong Quy hoạch tỉnh, Trà Vinh đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Trà Vinh đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình cao, phấn đấu nằm trong nhóm đầu của vùng ĐBSCL, với vị trí là một trong những trung tâm kinh tế biển và trung tâm năng lượng sạch của vùng; kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ cao và các động lực tăng trưởng tập trung, hiện đại và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để khai thác có hiệu quả các lợi thế của tỉnh trong không gian kinh tế mở của vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đến năm 2050, Trà Vinh trở thành đô thị biển hiện đại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập cao. Vị trí là một trong những trung tâm kinh tế biển và trung tâm năng lượng của cả nước được củng cố vững chắc. Nền kinh tế phát triển dựa trên động lực là mạng lưới các đô thị biển; văn hóa dân tộc Khmer và văn hóa vùng sông nước được duy trì, phát triển; môi trường sống của người dân được cải thiện và bảo đảm… là mục tiêu hàng đầu của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh lập quy hoạch tỉnh Trà Vinh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, có Luật Quy hoạch, một số Nghị định, văn bản hướng dẫn, 5 quy hoạch cấp quốc gia và đặc biệt là quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, 2 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua và đang hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội xem xét thông qua.

“Những bản quy hoạch này được lập theo cách tiếp cận kết hợp quy hoạch phát triển và quy hoạch không gian; tích hợp đa ngành, xem xét, giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để lựa chọn cho vùng, địa phương đó phương án phát triển tốt nhất, bền vững nhất trên cả 4 trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường và quốc phòng – an ninh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Theo nội dung dự thảo Quy hoạch, tỉnh Trà Vinh xác định 5 khâu đột phá, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá có vị trí then chốt để tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo động lực cho phát triển trong thời gian tới.

Về không gian phát triển, tỉnh Trà Vinh dự kiến chia không gian phát triển tỉnh thành 2 vùng liên huyện, bao gồm “Vùng trung tâm và ổn định phát triển” và “Vùng động lực phát triển”.

Trong đó, Vùng trung tâm và ổn định phát triển bao gồm TP.Trà Vinh, các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè và Tiểu Cần, trong đó thành phố Trà Vinh đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của Tỉnh và cực tăng trưởng của Vùng.

Vùng động lực phát triển bao gồm TX. Duyên Hải, các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú, định hướng phát triển của vùng này tập trung phát triển kinh tế biển, trọng tâm của vùng là phát triển KKT Định An thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ cảng, công nghiệp và du lịch. 

Phân chia không gian phát triển đô thị thành 3 vùng là Vùng đô thị Trung tâm, Vùng đô thị phía Tây và Vùng đô thị phía Đông. Phân chia không gian phát triển nông thôn thành 3 vùng: Ngọt, Ngọt – lợ và Mặn – lợ.

Chủ tịch Lê Văn Hẳn khẳng định, Quy hoạch sau khi được phê duyệt sẽ mở ra các cơ hội, có hành lang pháp lý, có không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.