Tối 18/5, UBND TP.HCM tổ chức họp báo về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa vào kỳ họp thứ 5 với điều kiện hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nội dung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành.

Dù vậy, muốn trình Quốc hội thì phải đảm bảo trình tự, thủ tục và chất lượng. TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo làm ngày làm đêm để chuẩn bị. Đến sáng ngày 18/5 đã hoàn thiện hồ sơ.

a

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc xây dựng nghị quyết mới rất cần thiết, thậm chí cấp thiết. Ảnh: Thành Nhân

4 nhóm cơ chế trọng tâm

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, điểm khác cơ bản của dự thảo nghị quyết mới so với Nghị quyết 54 trước đây là mục tiêu hướng tới. Thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54, nghị quyết mới của TP.HCM tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.

“Từ đó, dòng đầu tư vào thành phố sẽ nhanh hơn. Địa phương cũng có điều kiện thí điểm các cơ chế, hình thức đầu tư mới và ưu đãi cho các nhà đầu tư xã hội chiến lược. Nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, thành phố sẽ đạt được cả trăm tỷ”, ông phân tích.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho hay, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với khoảng 43 nội dung cơ chế, chính sách, chia làm 4 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 là các cơ chế chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các cơ chế chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế chính sách sửa đổi, bổ sung như: HĐND thành phố quyết định dự toán ngân sách thành phố; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay, …

Nhóm 2 là các cơ chế chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị;

Nhóm 3 là các cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho Thành phố.

Các cơ chế chính sách này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.

Nhóm 4 là các cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết 54, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư Công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức…

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, thành phố sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, nghị quyết mới sẽ giúp Thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tháo được “chiếc áo cơ chế” để TP. Thủ Đức phát triển.

Nếu hỏi một nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi động lực hay không, tôi e là không. Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển.

Làm sao để khơi thông nguồn lực?

Đề cập đến những điểm mới, khác biệt của Nghị quyết mới về đầu tư kinh doanh để tạo động lực cho TP.HCM phát triển, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư tư nhân là rất quan trọng với sự phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động đầu tư kinh doanh có rất nhiều vướng mắc. 

Theo bà Mai, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tổng hợp được 214 vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh. Các sở, ngành của Thành phố cũng nhận thấy được các vướng mắc này. Trong đó, một số sẽ được thảo luận, giải quyết trong các kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nhưng có vướng mắc phải giải quyết ngay, đặc biệt là hợp tác công tư.

Theo bà Mai, một trong 7 điểm mới của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là làm sao để khơi thông nguồn lực.

“Nghị quyết mới đặt ra các nhóm cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết 54 như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon”, bà Mai nói.

Nói thêm về đề xuất phương thức đối tác công tư ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, cũng như hình thức BT thanh toán bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu, bà Mai cho biết, qua rà soát nhu cầu, các dự án văn hóa, thể thao cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ.

“Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP) không cho phép áp dụng đối với 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao”, bà Mai nói và cho biết, quá trình lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và nhiều bộ, ngành thì nhận được sự đồng tình. Do đó, dự thảo nghị quyết đã mở rộng hình thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao. 

Bà Mai cho biết TP.HCM có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc đề xuất cho áp dụng hình thức BT bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Để khắc phục bất cập khi triển khai hình thức BT trước đây, bà Mai nói bản thân hình thức BT không có lỗi, nhưng quá trình triển khai có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các luật nên thực hiện chưa trôi chảy. “Sau khi ban hành nghị quyết thì các bộ, ngành cùng Thành phố sẽ thiết kế quy định để triển khai hiệu quả. Thành phố sẽ thí điểm trước để các tỉnh, thành rút ra bài học kinh nghiệm, trước khi áp dụng lại trên cả nước”, bà Mai nói thêm.

Sẵn sàng triển khai khi Nghị quyết mới được thông qua

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch Quốc hội nói rằng Thành phố cần quan tâm năng lực thực thi nghị quyết mới, các sở ban ngành củng cố xây dựng đội ngũ để đủ sức thực hiện.

“Với kinh nghiệm trong thời gian thực hiện Nghị quyết 54, chúng tôi đã có các bài học về chuẩn bị đội ngũ, tâm thể để triển khai nghị quyết mới. Đến nay, thành phố đã có những bước chuẩn bị chủ động, phân công các cơ quan từng phần việc và lên nội dung để trình HĐND TPHCM vào các kỳ họp tới”, ông Mãi thông tin.

Theo đó, sau bàn bạc với Chủ tịch HĐND TP HCM, ông Phan Văn Mãi cho hay kỳ họp tới sẽ trình 28 nội dung, trong đó có 8 nội dung cụ thể hóa nghị quyết mới, trong đó có nâng trần đầu tư trung hạn. Nghị quyết mới cũng có nội dung sử dụng ngân sách để giảm lãi suất, kích cầu.

“Thành phố sẽ củng cố đội ngũ bộ máy, tổ chức thực hiện và tiếp tục điều chỉnh thích ứng để thực hiện hiệu quả nghị quyết”, ông Mãi nói và cho biết, địa phương đã phối hợp với một số cơ quan tư vấn, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch. Trong năm 2023, Thành phố chuẩn bị tâm thế, hồ sơ, thủ tục để triển khai bản nghị quyết mới trong 4 năm còn lại.