Vấn đề tiêu cực, gây phiền hà trong chính ngành thanh tra làm nóng nghị trường sáng 5/11, khi có rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình và có phương hướng giải quyết mạnh mẽ.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) nêu câu hỏi về hoạt động của thanh tra thời gian qua đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó, còn có một số khó khăn, bất cập mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hiệu quả, kết quả của thanh tra, đó chính là công tác cán bộ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại phiên chất vấn.

Theo đại biểu Trần Quang Minh, Thanh tra Chính phủ hiện có 408 công chức, nhưng chỉ có 200 cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Vậy theo Tổng Thanh tra tại sao lại có tình trạng này? Giải pháp trong thời gian tới để tháo gỡ là gì?

Trả lời chất vấn về nội dung trên, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn khi cán bộ ít. Thời gian qua, ngành đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng thống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; 750.000 ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.

Ngoài thanh tra theo kế hoạch, thanh tra được giao nhiều việc thanh tra đột xuất, như năm 2022 sẽ thanh tra mua sắm thiết bị và phòng chống Covid-19, thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thanh tra quy hoạch và thực hiện quy hoạch điện VII, thanh tra kinh doanh xăng dầu…

Tổng Thanh tra nhận định, chỉ có 408 cán bộ công chức thì rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) “truy” đến cùng nội dung chất vấn Tổng Thanh tra.

Chưa đồng tình về nội dung trả lời trên, đại biểu Trần Quang Minh tiếp tục đăng ký tranh luận, nói câu hỏi của ông có ba ý, trong đó có quan điểm về số lượng, chất lượng, đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra hiện nay. Tổng Thanh tra Chính phủ chưa nói rõ ý này, đề nghị bổ sung.

Bên cạnh đó, vấn đề tại sao lại có thực trạng Thanh tra Chính phủ có 408 cán bộ, công chức, nhưng chỉ có hơn 200 cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng như giải pháp để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới như thế nào thì Tổng thanh tra cũng chưa trả lời. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời rõ về hai vấn đề này?

Phản hồi nội dung tranh luận trên, Tổng Thanh trac cho biết, thời gian qua, lực lượng thanh tra cơ bản chấp hành quy định. Có một số trường hợp để xảy ra vi phạm như vụ việc thanh tra ngành xây dựng đến thanh tra tại Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, ngay tại Thanh tra Chính phủ cũng có những vụ nhận hối lộ, bị xử lý.

Ngành thanh tra có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ. Tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành nghị quyết quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đồng thời quy định trách nhiệm, điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm. Theo đó, cán bộ thanh tra không được nhận quà, tiền của đối tượng thanh tra, không được giao lưu bất cứ hình thức nào với người bị thanh tra…

“Tôi mong đại biểu và cử tri giúp giám sát cán bộ đoàn thanh tra, nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý”, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nói.

Bên cạnh việc nhiều đại biểu chưa đồng tình với nội dung trả lời của Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp đã phải nhắc nhở ông Phong trả lời nhanh và tập trung vào đúng nội dung chất vấn của các đại biểu.

Cũng liên quan tới vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nêu về vấn đề tình trạng vi phạm đạo đức công vụ đã xảy ra và đề nghị Tổng Thanh tra đánh giá về đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra trong thời gian qua và giải pháp thời gian tới.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề về trách nhiệm nêu gương là một trong những yếu tố hàng đầu để xử lý hiệu quả, kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền. Tổng Thanh tra đã làm gì để nâng cao trách nhiệm nêu gương?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đặt vấn về trách nhiệm nêu gương của Tổng Thanh tra.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, bản thân luôn thực hiện tinh thần và trách nhiệm gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp thực hiện đúng quy định của pháp luật, xem xét báo cáo kết quả trong lĩnh vực thanh tra, xem xét giải quyết theo chỉ đạo của các bộ ban ngành, Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khiếu nại tố cáo, tạo khí thế động lực cho toàn ngành nói chung…

Về đạo đức công vụ, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, cán bộ ngành cơ bản thực hiện đạo đức công vụ, nhưng vẫn còn bất cập. Trong dư luận hiện nay cũng đánh giá cán bộ thanh tra nói chung, thanh tra Chính phủ còn phiền hà, gây nhũng nhiễu, chưa đúng theo quy định nhà nước để vụ lợi cá nhân.

“Đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu cán bộ thanh tra còn “dễ dãi, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra”, thực tế cũng còn, nên Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đánh giá để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn”, ông Phong nói.