Tìm cách “hạ nhiệt” giá hàng hóa

Ngày 4-8, tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, đại diện các bộ – ngành và chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân giá hàng hóa “lên nhanh, xuống chậm”, đồng thời đưa ra giải pháp để “hạ nhiệt” thị trường.

Có “độ trễ” nhưng không thể quá chậm

Tính đến thời điểm hiện tại khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp nhưng nhiều mặt hàng vẫn neo ở mức cao, lý giải về tình trạng này, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng thông thường, khi giá xăng dầu giảm cần có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp (DN) có mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm phù hợp.

Tìm cách hạ nhiệt giá hàng hóa - Ảnh 1.

Nhiều loại hàng hóa vẫn giữ mức giá cao sau 4 lần xăng dầu giảm giá .Ảnh: TẤN THẠNH

Đồng tình với “độ trễ” cần có nhưng chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực lại chỉ ra nguyên nhân khác là một số DN lo ngại nếu giảm ngay giá bán hàng hóa theo giá xăng dầu thì sau này muốn tăng lên lại sẽ cực kỳ khó, người dân có thể phản ứng. “Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền cũng phải xuống”. Đồng ý có độ trễ nhưng không thể trễ tới hàng tháng hay là đến mấy tháng được mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần là giá hàng hóa phải điều chỉnh ngay” – ông Lực nói và cho rằng sự vào cuộc của cơ quan chức năng thời gian qua là chưa thực sự kịp thời.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cũng đồng tình với việc DN cần thời gian để tính toán các yếu tố cấu thành giá rồi điều chỉnh giá nhưng không thể quá lâu được. Cần phải có điều chỉnh kịp thời để sát với diễn biến thị trường. Cụ thể là giá nhiên liệu giảm mạnh nhưng cước vận tải vẫn chưa hạ, ông Ngọc cho biết đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản thật phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và DN. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các Sở GTVT khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành lập các đoàn thanh, kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá trong các bảng kê khai vận tải đường bộ và những lĩnh vực liên quan.

Về phía Bộ Tài chính, bà Đinh Thị Nương cho biết Bộ Tài chính đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành địa phương để quản lý giá, góp phần kiểm soát lạm phát. Cụ thể, tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

“Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN thì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình của các tổ chức sản xuất – kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp” – bà Nương cho hay.

Rà soát khâu trung gian

Bên cạnh giải pháp mà các bộ ngành đưa ra, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần bảo đảm cung cấp hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ông nhấn mạnh đến việc giảm chi phí khâu trung gian – đây là bài toán cần phải giải quyết, rà soát các yếu tố hình thành giá. Các ý kiến tại tọa đàm cũng bày tỏ băn khoăn khi cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao, đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá cao.

TS Cấn Văn Lực cho rằng khâu trung gian không thể “ăn” chênh lệch quá nhiều. Bởi, trên thực tế đã có tình trạng ép giá nông dân, trong khi họ luôn là người yếu thế. “Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến đạo đức kinh doanh, bên cạnh đó cần có chế tài để xử lý. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch để chúng ta biết được khâu nào khiến giá hàng hóa đội lên cao, từ đó có biện pháp xử lý đúng và trúng” – TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Cũng theo chuyên gia này, cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan để giảm chi phí thủ tục hành chính. Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh hiện nay còn quá cao, mà DN thường sẽ tính toán luôn những chi phí này vào giá thành sản phẩm.

Ông Vũ Vinh Phú đề xuất nghiên cứu xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn. Bởi hiện nay theo ông, con heo, con cá phải qua nhiều khâu mới đến được tay người tiêu dùng, từ bán buôn, đến lò mổ rồi mới tới các kênh bán lẻ. “Qua nhiều khâu như vậy thì tất cả các chi phí đều được tính vào giá. Do đó, cần nghiên cứu nghiêm túc về chuỗi cung ứng ngắn cũng như việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung cứng. Một số quốc gia trên thế giới đã luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, như thế sẽ công khai minh bạch” – chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú kiến nghị các bộ, ngành phối hợp đồng bộ hơn trong công tác quản lý giá, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin để dần xây dựng sự tự giác hơn nữa trong vấn đề điều chỉnh lên – xuống giá, xây dựng văn hóa DN cùng chia sẻ lợi ích với người dân, xã hội.

Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho rằng không chỉ cơ quan hành chính mà các DN cần phải vào cuộc, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng cần lên tiếng. “Hiện nay chúng ta thực hiện quản lý giá cơ bản theo cơ chế thị trường, bảo đảm cân đối vĩ mô và đời sống người dân, cũng như hài hòa lợi ích của DN” – ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh.


MINH CHIẾN