Tìm cách giải bài toán nông sản ở ĐBSCL

Đây là một trong những chính sách đặc thù trong Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 11-1-2022 về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ”.

Trung tâm này có diện tích 3.300 ha đặt tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền). Trong đó, giai đoạn 1 (2022-2027) sẽ được triển khai trên diện tích 450 ha, còn giai đoạn 2 triển khai trong giai đoạn 2027-2050.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khi chính thức đi vào hoạt động, nơi đây sẽ thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, lưu ý: “Trung tâm chỉ giúp giải quyết được cái ngọn, còn cái gốc vẫn chưa. Ví dụ, một doanh nghiệp ở TP HCM cần mua số lượng lớn bưởi da xanh nhưng họ không tìm ra nhà cung cấp vì mỗi hộ chỉ trồng vài công, số lượng nhỏ. Để có đủ số lượng, họ phải đi gom hàng ở nhiều nơi. Vì vậy, các địa phương ĐBSCL cần liên kết hợp tác làm sao để có nguồn hàng ổn định”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị TP Cần Thơ bổ sung góp ý của các địa phương, chuyên gia vào đề án và bắt tay xây dựng đến đầu tháng 6 cho hoàn thiện. Sau đó, tiếp tục mời doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội đóng góp ý kiến.


C.Linh