Cán bộ Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh kiểm tra hồ sơ khai báo điện tử để làm thủ tục cấp giấy phép cho tàu ra - vào cảng.
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh kiểm tra hồ sơ khai báo điện tử để làm thủ tục cấp giấy phép cho tàu ra – vào cảng.

Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ GTVT vừa có công văn đồng ý cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được tiếp tục thí điểm triển khai thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển do Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý sau ngày 31/12/2022 theo giải pháp đang thực hiện. Thời gian thí điểm trong 12 tháng kể từ ngày 1/1/2023.

Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam có kế hoạch rà soát, xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; nghiên cứu đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai chính thức thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển trên toàn quốc.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được giao khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu về phương tiện thủy nội địa và Cơ sở dữ liệu về thuyền viên để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại Cục; chia sẻ dữ liệu với Cục Hàng hải Việt nam để thực hiện thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong thời gian triển khai thí điểm từ ngày 1/1/2022 đến ngày 13/12/2022, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã triển khai thực hiện thủ tục điện tử cho 7.478 lượt phương tiện thủy vào, rời cảng biển khu vực chiếm 32,5% số lượng phương tiện thủy nội địa hoạt động chuyên tuyến tại khu vực do Cảng vụ quản lý.

Trong đó, phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB làm thủ tục điện tử là 1.650 lượt vào, rời chiếm 98,08% số lượt phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB hoạt động chuyên tuyến tại khu vực; phương tiện thủy nội địa mang cấp khác VR-SB làm thủ tục điện tử là 5.828 lượt chiếm 27,01% số lượt phương tiện thủy nội địa mang cấp khác VRSB hoạt động chuyên tuyến tại khu vực.

Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, việc triển khai thí điểm đã đạt được mục tiêu đề ra và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tại khu vực. Việc triển khai thủ tục điện tử đã giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi chi phí thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp; kết quả giải quyết thủ tục hành chính được Cảng vụ cấp giấy phép điện tử nên thuận tiện cho doanh nghiệp tra cứu, lưu trữ.

“Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác của các phương tiện, hạn chế việc tiếp xúc giữa viên chức làm thủ tục và người làm thủ tục, qua đó ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực”, ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Hiện nay, các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia thí điểm đều thống nhất đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục điện tử cho phương tiện thủy nội địa tại khu vực và đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục mở rộng triển khai ra các khu vực khác (khu vực Đồng Nam Bộ và Tây Nam Bộ) nơi có lưu lượng phương tiện thủy nội địa ra, vào nhiều để tạo sự đồng bộ, tăng tính kết nối giữa 2 khu vực trên và TP.HCM.