Sáng nay, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV sẽ bước vào ngày làm việc đầu tiên. Không chỉ “nặng” về mặt số lượng các dự án luật gấp đôi các kỳ trước (gồm 9 dự án cho ý kiến lần đầu và 8 dự án xem xét thông qua), mà những khó khăn của người dân, doanh nghiệp đặt một “sức nặng” khác lên vai các vị đại diện cho nhân dân.

Không thể thiếu được ở phiên khai mạc tất cả các kỳ họp là báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp đó.

Nội dung này, khi đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp tháng 5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được nhận xét rằng, đang “vắng” những khó khăn của doanh nghiệp. Mà những khó khăn điển hình là tiếp cận tín dụng đã khó, rồi hoàn thuế giá trị gia tăng cũng chật vật, lại thêm những yêu cầu hết sức trớ trêu trong quy định mới về phòng cháy, chữa cháy. 

Cũng cần phải nhấn mạnh, không phải đến thời điểm này, doanh nghiệp mới khó khăn đến thế. Ở phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay sau Kỳ họp thứ tư của Quốc hội (tháng 12/2022), đề nghị của doanh nghiệp là cần sớm giải quyết khó khăn trên tất cả các kênh, các thị trường như bất động sản, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp… bởi nhiều doanh nghiệp đã “sức cùng lực kiệt”, có thể dẫn đến phá sản, cũng được nêu ra.

Thế rồi, 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, doanh nghiệp giải thể, phá sán tăng, mà theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội, thì “xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn nữa trong những tháng tới”.

Cũng hiếm có kỳ họp nào, báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội do Ủy ban Kinh tế chủ trì lại nêu ra nhiều khó khăn đến thế. Không chỉ là những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, mà doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thậm chí, cơ quan của Quốc hội còn phản ánh ý kiến cho rằng, cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tinh thần phục vụ, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp đang bị thay thế bởi cách làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý…, đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế – xã hội.

Nếu ý kiến này là chính xác, thì rõ ràng, những cố gắng để ban hành chính sách luôn đặt doanh nghiệp và người dân vào trung tâm của Quốc hội, đã phần nào giảm đi ý nghĩa. Và các vị đại biểu của dân chắc chắn không thể không lên tiếng.

Vẫn biết, có những vấn đề dù muốn xử lý sớm cũng không thể ngay lập tức giải quyết, nhất là những vấn đề phức tạp như thị trường vốn. Nhưng rõ ràng, khá nhiều khó khăn với doanh nghiệp bắt đầu hoặc trầm trọng thêm từ chính những bất cập trong hoạt động của Nhà nước – đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội.

Trước đây, nhiều báo cáo, ý kiến thảo luận tại nghị trường từng nhắc đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, song còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Còn hiện tại, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc đã không còn là “của riêng” địa phương nào, Trung ương và địa phương đều có cả. Nếu các vị đại diện cho dân không “đòi” làm rõ địa chỉ trách nhiệm, thì e rằng, kỳ họp sau, sau nữa, vẫn sẽ phải nghe lại điệp khúc này.

Ghi nhận những mặt mạnh trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục phát huy, đó cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Nhưng, trách nhiệm lại càng phải cao hơn nữa khi nhận diện đầy đủ, đánh giá đúng mức, khách quan, toàn diện tình hình của đất nước, từ đó góp phần đưa ra những quyết sách đủ mạnh, nhưng khả thi.

Và quan trọng, những quyết sách đó đáp ứng được mong đợi của người dân, của doanh nghiệp đến mức nào. Với sự đồng hành, nhưng không dễ dãi của Quốc hội, mong rằng, những tiếng nói và quyết sách tại nghị trường ở Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV sẽ không làm cử tri thất vọng.