Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, định hướng thời gian tới, trao đổi, giải quyết các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu tố phát triển xanh, nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu địa phương cần bám sát để thực hiện trong thời gian tới.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Thủ tướng cũng gợi ý 5 giải pháp mà tỉnh Bình Thuận cần thực hiện. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Thủ tướng đánh giá tỉnh Bình Thuận có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với một số địa phương trong vùng. Theo đó, tỉnh có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi với đường bộ, đường sắt, cảng biển và tuyến hàng hải quốc tế đi qua. Đặc biệt, sân bay Phan Thiết đang được xây dựng và khi hoàn thành sẽ trở thành công trình hạ tầng chiến lược tạo động lực phát triển mới cho tỉnh.

a
Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Thuận khi thực hiện các giải pháp phát triển trong thời gian tới phải phục vụ cho nhiệm vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững

Tỉnh có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo (điện LNG, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt điện gió ngoài khơi). Tỉnh có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển (vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km² và là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam, có nhiều loại hải sản)…

Cùng với những lợ thế, kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập của tỉnh. Trong đó, những tiềm năng rất lớn chưa được phát huy hết, chưa trở thành động lực để phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển bền vững, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để tạo động lực phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cần được cải thiện được nữa, trong đó lưu ý thu hút đầu tư vào phát triển xanh, thay vì phát triển nâu.

Do đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh Bình Thuận khi thực hiện các giải pháp phát triển trong thời gian tới phải phục vụ cho nhiệm vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; 3 “trụ cột” kinh tế của tỉnh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Thủ tướng gợi ý tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền mở rộng thành phố Phan Thiết và điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp.

“Phát triển bất động sản cũng là cần thiết, nhưng những địa điểm, vị trí đẹp nhất không quy hoạch phát triển bất động sản mà phải dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân”, Thủ tướng nói và lưu ý, phải có người đến làm thì mới có người đến ở, khi đó, việc phát triển bất động sản mới bền vững.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.

Trong đó, nhiệm vụ xây dựng sân bay Phan Thiết và cảng biển đón khách để mở cửa bầu trời, mở cửa vùng biển, mở ra không gian phát triển mới. Do đó, cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch để xây dựng nhà ga sân bay Phan Thiết để hoàn thành sân bay trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng.

Về những kiến nghị của tỉnh, nhất là liên quan tới quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia và khoanh vùng khu vực dự trữ khoáng sản titan, Thủ tướng giao tỉnh chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, thống nhất phương án xử lý liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản titan giai đoạn đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Về di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh đánh giá lại tác động môi trường, đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm, trên tinh thần phải quan tâm đời sống người dân, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Với những kiến nghị, đề xuất liên quan tới nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường bộ; xây dựng đề án thành lập khu công nghệ cao và khu kinh tế ven biển; về phát triển điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo; về dự án hồ La Ngà 3 và phát triển hạ tầng nghề cá…. Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan Trung ương rà soát lại, thực hiện các thủ tục theo quy định, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của tỉnh trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, quy định.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình triển khai, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trên nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho tỉnh Bình Thuận và các địa phương phát triển.