,
Các đại biểu Quốc hội trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV

Trong báo cáo được gửi tới các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản thống nhất với đánh giá về bối cảnh, tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 như báo cáo của Chính phủ.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao so với dự toán (tăng 16,8%), tăng 202,923 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội (số báo cáo Quốc hội chỉ tăng 22,2 nghìn tỷ so với dự toán) vào tháng 10 năm 2021.

Có 3 khoản thu chủ yếu của ngân sách đều vượt dự toán rất cao. Đó là thu nội địa vượt 15,1%, thu từ dầu thô vượt 92,44% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 20,9% so với dự toán NSNN năm 2021. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban nhấn mạnh tới 7 điều cần lưu ý.

Thứ nhất, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa bảo đảm chất lượng, không sát thực tiễn.

Dẫn chứng là việc có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 năm 2021 và số đánh giá bổ sung.

Báo cáo viết: “Chỉ trong thời gian rất ngắn (riêng trong quý IV), thu NSNN tăng hơn 9 lần so với số báo cáo Quốc hội, số tăng thu chiếm khoảng 90,1% số tăng thu NSNN cả năm. Trong số này, nhiều khoản thu tăng rất cao so với dự toán, như thu về nhà, đất tăng 65% so với dự toán; thu tiền cấp khai thác khoáng sản tăng 71,2% so với dự toán; thu từ quỹ đất công ích tăng 120,7% so với dự toán…

Đồng thời, theo Báo cáo của Chính phủ, phát sinh khoảng 20,935 nghìn tỷ đồng từ các khoản thu chưa được dự toán (như thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng dự án khu đô thị Phước Hưng 2.373 tỷ đồng, thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Tập đoàn Ecopark 1.290 tỷ đồng…).

“Mặc dù dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó dự báo chính xác, song việc chênh lệch quá lớn so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 thể hiện năng lực dự báo, đánh giá còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế – xã hội với các yếu tố tác động đến thu NSNN trong những tháng cuối năm”, Ủy ban Tài chính – Ngân sách báo cáo kết quả thẩm tra

Thứ hai, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bị giảm. Thu ngân sách Trung ương có tăng nhưng chiếm tỷ trọng thấp (vượt 48,9 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21,7% tổng mức tăng thu), tăng thu từ ngân sách địa phương (NSĐP) (vượt 176,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán) chiếm tỷ trọng cao, theo đó làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển của nền kinh tế.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, tuy thu ngân sách Trung ương tăng khá so với dự toán, đặc biệt so với số đã báo cáo Quốc hội (báo cáo Quốc hội giảm khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng) song mức tăng thu từ NSTW vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng mức tăng thu.

Trong khi đó, nhiều nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương phát sinh lớn, có vai trò định hướng thì việc nguồn lực bố trí còn hạn chế, ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Thứ ba, một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng cơ cấu thu chưa thật sự bền vững, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Trong đó, thu tiền sử dụng đất có mức tăng lớn so với dự toán (tăng 74.081 tỷ đồng) và số báo cáo Quốc hội (tăng 44.881 tỷ đồng),  Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là khoản thu không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, lâu dài tài nguyên đất. Đồng thời, cần xây dựng dự toán sát hơn để điều hành NSNN chủ động, hiệu quả”, Báo cáo thẩm tra lưu ý.

Thứ tư, chính sách hoàn thuế từ nguồn ngân sách Trung ương còn bất cập.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 37,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 26,9 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội chủ yếu do giá các mặt hàng trên thế giới tăng nóng tại thời điểm quý IV, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Việc chênh lệch khá lớn giữa số thực hiện so với dự toán sẽ dẫn đến bị động trong việc quản lý, thực hiện các nhiệm vụ ngân sách, đặc biệt dẫn đến số hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cao hơn 17,8% so với dự toán và cao hơn số báo cáo Quốc hội khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng (năm 2020 vượt trên 7.000 tỷ đồng).

Việc hoàn thuế GTGT cao trong thời gian qua làm giảm nguồn thu ngân sách Trung ương, vì thuế GTGT là khoản thu phân chia, nhưng nguồn hoàn thuế lại được cân đối từ ngân sách Trung ương cho thấy bất hợp lý về hạch toán số hoàn thuế GTGT. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi quy định pháp luật để khắc phục sự bất hợp lý trên.

Thứ năm ,công tác quản lý thu ngân sách còn hạn chế nhất định. Mặc dù Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN và Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, nhưng nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng.

Thứ sáu, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu, còn nhiều khó khăn.

Thứ bảy,  Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhắc tới việc Chính phủ còn chậm trễ, chưa có Tờ trình chính thức về phương án sử dụng số tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 (48,9 nghìn tỷ đồng) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Trước đó, khi báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhắc tới những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Trong đó, Bộ trưởng đã nhắc tới tình trạng công tác phân tích, dự báo thu ngân sách nhà nước chưa sát với thực tiễn hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cho dù thu NSNN vượt lớn so dự toán và báo cáo Quốc hội, nhưng chủ yếu là vượt thu từ tiền sử dụng đất của NSĐP, đây là khoản thu không ổn định, bền vững. Quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp; nợ đọng thuế có xu hướng tăng”, Bộ trưởng Phớc thẳng thắn thừa nhận.

Đặc biệt, công tác triển khai dự toán chi NSNN của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, kéo dài. Giải ngân vốn đầu tư chậm, tỷ lệ đạt thấp so với  thực hiện năm trước.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19; thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị.