Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/5

Khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp, trong đó có 3 địa phương là TP.HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Bên cạnh động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm thì còn một số lĩnh vực khác suy giảm như tổng cầu, tốc độ tăng xuất nhập khẩu, thu hút FDI…

Gần đây nhất, tại cuộc làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nguyên nhân rất đặc thù. Nếu như trước đây TP.HCM có khoảng 70 – 80 dự án để phê duyệt chủ trương và đầu tư xã hội mỗi năm thì trong 2 năm trở lại đây, dự án mới để phê duyệt rất thấp, nguyên nhân do năng lực quản lý.

Trước những nguyên nhân chung cũng như nguyên nhân đặc thù của từng địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng, tìm kiếm thị trường, giữ vững phát triển của khối doanh nghiệp, ổn định lao động, không để mất việc. Đặc biệt, chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… từ đó tìm kiếm các thị trường mới.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng lưu ý một số giải pháp mà các địa phương cần quan tâm và Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo.

Thứ nhất, nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để những người trong hệ thống quản lý dám nghĩ, dám làm.

Thứ hai, động lực tăng trưởng của các khu vực này cần được quan tâm, đẩy mạnh đầu tư công.

Thứ hai, về thúc đẩy du lịch, dịch vụ, bắt đầu từ quý II có thể thúc đẩy mạnh dịch vụ, đặc biệt là tại các trung tâm lớn như TP.HCM.

Thứ ba là tháo gỡ những khó khăn đang tồn đọng hiện nay để sớm tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho các địa phương, các doanh nghiệp tạo dòng tiền cũng như tăng cường khả năng vay vốn, tiếp cận tín dụng chi phí thấp.

Thứ tư, phải thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân mà gần đây Chính phủ đã ban hành như Nghị quyết 58 về hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm, giãn, hoãn, gia hạn lệ phí, thuế… hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu.

Thứ năm, đảm bảo an toàn an sinh lao động xã hội để duy trì được thu nhập cho người lao động.