Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược. 

Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 4/25 phiếu thông qua mà không cần chỉnh sửa; 21/25 phiếu thông qua với điều kiện cần chỉnh sửa trên cơ sở các ý kiến tham gia.

Theo đó, mục tiêu tổng quát được Quy hoạch chỉ rõ: Đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh
Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh. Nguồn ảnh: Công thông tin điện tử Quảng Ninh.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050: Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3-4%; công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 47-48%; dịch vụ chiếm khoảng 38-39% và thuế sản phẩm 9-10%.

GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000-20.000 USD. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tham gia đóng góp ý kiến đối với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đều cho rằng, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được xây dựng phù hợp với định hướng phát triển của đất nước và của tỉnh. Báo cáo quy hoạch được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cũng nêu lên những cơ hội, tiềm năng phát triển nổi trội của Quảng Ninh so với các địa phương khác, đồng thời cũng chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục bổ sung, phân tích làm rõ hơn trong Quy hoạch như: Làm rõ thêm về tiềm năng phát triển biển đảo; chỉ số tăng trưởng GRDP, chỉ số tiếp nhận, hưởng thụ của người dân; tỷ lệ nhà ở đô thị, không gian quản lý vùng. Bổ sung, phân tích xu hướng phát triển xanh, cách thức đối mặt. Làm rõ những yếu tố đặc thù của Quảng Ninh trong định hướng phát triển, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; căn cứ để đưa ra các chỉ tiêu phát triển ngành du lịch; đánh giá nguy cơ, tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển của tỉnh…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xây dựng quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xây dựng quy hoạch. Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh.

Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện xây dựng quy hoạch, đồng thời lưu ý tỉnh Quảng Ninh cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến góp ý của các bộ, để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở nội dung báo cáo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho ý kiến cụ thể vào quan điểm phát triển của tỉnh Quảng Ninh nhằm thể hiện rõ mức độ ưu tiên, tính đột phá, động lực, khát vọng để Quảng Ninh phát triển trong thời gian tới. Đồng thời gợi mở những tiềm năng, lợi thế để tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn; những đường hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn xác định trọng tâm, trọng điểm, mức độ ưu tiên, lĩnh vực đột phá, động lực tạo sự khác biệt nổi trội của tỉnh Quảng Ninh. 

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh, để đảm bảo Quy hoạch tỉnh có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với quy hoạch của cả nước, Quảng Ninh cần làm tốt việc quy hoạch, có tầm nhìn chiến lược, dài hơi và khai thác tốt các tiềm năng, khắc phục hạn chế để thúc đẩy phát triển bền vững. Quảng Ninh cần có cách tiếp cận hiện đại, chiến lược; khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế để phát triển bền vững.

Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế về kinh tế, cảng biển, khu kinh tế…, vì vậy tỉnh phải thực hiện quy hoạch đồng bộ theo hướng bền vững, có cơ cấu, tầm vóc lớn hơn phù hợp với điều kiện phát triển thực tế để từ đó có những đột phá vượt bậc trong thời gian tới và xứng đáng với cực tăng trưởng trong vùng kinh tế. Đồng thời, Quảng Ninh cũng cần phải đề cập, phân tích tới các yếu tố phát triển về tiềm năng, phát huy lợi thế Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái để phát triển đồng bộ.

Trong công tác quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào các định hướng mới như: Chuyển đổi số, kinh tế đêm, xã hội số… để phát triển quy hoạch nằm trong tổng thể chung của cả nước. Đặc biệt, Quảng Ninh cần phát triển nhanh, bền vững trên 4 trụ cột chính về: Kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh. Cần phải xác định rõ được vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng với tư cách là cực tăng trưởng mạnh. Từ đó, có những định hướng phát triển đóng góp vào cực tăng trưởng chung trong vùng và trong cả nước.

Trong lĩnh vực kinh tế ưu tiên cần tập trung vào việc phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển du lịch, dịch vụ và phát triển đô thị, bất động sản.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng tốt, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tốt, môi trường kinh doanh tốt… thì cũng cần phải tập trung mạnh vào việc phát triển nguồn nhân lực. Tạo thể chế, cơ chế mới để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong cơ cấu chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” cần chú trọng đến chuyển đổi việc làm lao động ngành Than. Đồng thời, cũng lưu ý đến việc phát triển dân số và dân cư trong quy hoạch.