Thiết bị tập thể dục tại nhà đắt hàng

Các quy định giãn cách xã hội tuy đã được nới lỏng ít ngày nay nhưng đa phần công viên, phòng tập thể dục, yoga, gym… vẫn tạm đóng cửa. Trong khi đó, nhu cầu tập thể dục để duy trì sức khỏe vẫn cần thiết nên giải pháp trang bị các loại máy tập ở nhà được nhiều gia đình lựa chọn.

Vừa mua một máy chạy bộ đa năng gần 15 triệu đồng để cả nhà cùng luyện tập, bà Ngô Thị Ánh Hồng (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết dù thời gian tới, hoạt động xã hội trở lại bình thường nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn còn nên gia đình bà tiếp tục hạn chế ra đường. “Ngoài chức năng chạy bộ, máy còn có chức năng tập tay, chân, bụng và phù hợp nhu cầu của các thành viên trong gia đình tôi” – bà Hồng tỏ ra hài lòng.

Để tiết kiệm chi tiêu trong thời kỳ dịch bệnh, ông Trần Thanh Tuấn (ngụ quận 10, TP HCM) lên mạng tìm kiếm và quyết định mua một chiếc máy tập đã qua sử dụng với giá rẻ hơn giá mua mới đến 50%. “Nhiều dòng máy đã qua sử dụng có giá rẻ hơn giá gốc tới 70% và vẫn sử dụng tốt. Mua máy cũ cũng có lợi bởi khi không sử dụng, bán lại không bị mất giá nhiều như với máy mới” – ông Tuấn nói.

Theo ghi nhận, thiết bị tập thể dục trong nhà được nhiều khách hàng lựa chọn từ đầu mùa dịch đến nay là các dòng máy chạy bộ, xe đạp, tập giảm mỡ bụng và một số thiết bị hỗ trợ tập săn chắc cơ. Ngoài ra, mặt hàng thảm tập, tạ tay, lò xo kéo nâng cơ, vòng lắc, dây nhảy, quần áo tập, giày thể thao… cũng được khách hàng chọn mua khá nhiều. Ông Đoàn Văn Tùng, nhân viên một siêu thị điện máy tại quận 5 (TP HCM), cho biết trước đây, các loại máy chạy bộ, xe đạp trong nhà tiêu thụ rất chậm, chỉ bán được 3-4 sản phẩm/tháng. Từ khoảng 2 tháng nay, sức tiêu thụ tăng đột biến, mỗi ngày có thể bán được vài ba máy chạy bộ và máy đạp xe trong nhà.

Thiết bị tập thể dục tại nhà đắt hàng - Ảnh 1.

Mua máy tập thể dục tại nhà nên chọn hàng chính hãng, có chế độ bảo hành rõ ràng

Ông Trương Thuận Cần, phụ trách kinh doanh cửa hàng dụng cụ TDTT ở quận 1 (TP HCM), cho hay thông thường, mặt hàng nào tiêu thụ tốt thì người bán liền đẩy giá lên nhằm thu lợi. Tuy nhiên, thời điểm này, dù nhu cầu mua thiết bị tập thể dục tại nhà tăng nhưng các cửa hàng không những không tăng giá mà còn đưa ra nhiều chính sách giảm giá mạnh để thu hút người mua. “Sở dĩ các cửa hàng giảm giá là do nhu cầu với các sản phẩm này chỉ tăng trong một thời gian nhất định nên người bán tranh thủ đẩy hàng. Nếu không bán được nhiều sản phẩm thì khi kết thúc dịch bệnh, mặt hàng này lại khó tiêu thụ. Chưa kể, lượng hàng tồn của các nhà bán lẻ hiện khá lớn nên họ chấp nhận giảm giá từ 20%-50% hoặc nhiều hơn đối với các mẫu cũ” – ông Cần giải thích.

Khảo sát thị trường cho thấy giá bán máy chạy bộ đa năng hiện giảm từ 35 triệu đồng còn 23 triệu đồng; dòng máy giá 43 triệu đồng giảm còn 24 triệu đồng; dòng máy 15 triệu đồng còn 9 triệu đồng. Giá thiết bị đạp xe trong nhà cũng giảm từ 40%-50% xuống mức bán lẻ phổ biến chỉ khoảng 2,5-3 triệu đồng/chiếc. Giá các loại máy như đá đùi, đạp mông, gập bụng, kéo tập lưng, tập tay, tập bụng dưới… cũng giảm 20%-30%.

“Thiết bị tập thể dục tại nhà chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc nên không loại trừ khả năng chất lượng kém ổn định. Bởi thế, dễ hiểu vì sao sản phẩm có giá khá “mềm”, người bán dễ dàng hạ giá để hút người mua. Tuy vậy, tại một số điểm bán thiết bị TDTT, nhân viên tư vấn thường giới thiệu là hàng nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Đức hoặc “tệ” lắm cũng là hàng Đài Loan. Ngay cả sản phẩm bán trên các kênh online, người bán cũng né tên Trung Quốc khi giới thiệu về xuất xứ” – ông Lê Minh Phú, chuyên cung cấp các thiết bị TDTT tại TP HCM, thông tin. 

Coi chừng lãng phí

Bà Đỗ Kim Ngọc (ngụ quận 4, TP HCM) vừa lau chùi lại chiếc máy chạy bộ đã mua cách đây nhiều năm với giá hơn 30 triệu đồng để sử dụng lại trong những ngày giãn cách xã hội. “Chiếc máy này tôi chỉ sử dụng được một thời gian ngắn rồi bỏ quên vì tập một mình dễ chán. Sau khi tôi chuyển sang đi bộ hằng ngày ở công viên và mỗi tuần đến phòng tập 3 buổi, chiếc máy gần như thừa, chiếm diện tích nhà, gây bất tiện” – bà Ngọc nói và cho biết chưa thanh lý chiếc máy chạy bộ vì tiếc tiền.

Với máy đã qua sử dụng, ông Trịnh Hoàng Thông, thợ sửa chữa máy chạy bộ tại quận 10 (TP HCM), khuyên người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn mua bởi máy cũ dễ hư hỏng hoặc linh kiện chính hãng đã bị thay đổi trong quá trình sử dụng. Nếu mua nhầm máy đã bị thay thế linh kiện, sẽ có nguy cơ máy hỏng hóc nhiều lần, gây tốn nhiều tiền.


Bài và ảnh: Nguyễn Hải