.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng).

Thưa ông, vì sao thị xã Ngã Năm thành công trong phòng chống Covid-19 trên địa bàn?

Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thị xã Ngã Năm đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; Ban Chỉ đạo tiếp nhận, cách ly và các tiểu ban phục vụ công tác tiếp nhận, cách ly y tế công dân nhập cảnh vào địa bàn thị xã, thành lập 2 cơ sở cách ly tập trung, 3 trạm kiểm soát dịch bệnh và 1 đội đáp ứng nhanh trực 24/24 để thực hiện thực hiện phòng, chống dịch bệnh, kịp thời ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh theo kế hoạch, không để bị động, bất ngờ.

Thị xã Ngã Năm chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách các trường hợp có yếu tố dịch tễ đến từ các vùng dịch, kịp thời hướng dẫn người dân khai báo y tế theo quy định. Đồng thời, quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tuyên truyền thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, không tập trung đông người, sắp xếp phù hợp cho cán bộ, công chức làm việc tại nhà, tạm ngưng các cơ sở kinh doanh không cần thiết, ngừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, điểm chùa thờ tự.

Bên cạnh đó, thị xã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thông tin về công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức đa dạng như thông qua pano, tờ bướm, tuyên truyền trên đài truyền thanh thị xã, loa an ninh lưu động tại các khu vực đông dân cư, hộ gia đình, qua đó khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết…

Định hướng sắp tới về an toàn phòng chống Covid – 19 trên địa bàn sẽ thế nào?

Xác định đây chỉ là kết quả bước đầu của địa phương trong phòng chống dịch, với quan điểm xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị các cấp và ban, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, bị động, nhưng phải quán triệt tư tưởng trong hệ thống và người dân không được hoang mang, thị xã sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của cấp trên về công tác phòng, chống Covid-19. Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về tình hình diễn biến, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, theo dõi chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, người đi từ vùng dịch vào địa bàn, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác trực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống theo các kịch bản đã đề ra…

Nằm ở giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống, chợ nổi Ngã Năm vốn có từ lâu và nhộn nhịp vào loại bậc nhất ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Một góc chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Huy Tự
Nằm ở giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống, chợ nổi Ngã Năm vốn có từ lâu và nhộn nhịp vào loại bậc nhất ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Một góc chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Huy Tự

Thưa ông, thị xã Ngã Năm có những giải pháp quan trọng nào để vừa thực hiện có hiệu quả trong phòng chống Covid-19, vừa phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kết hợp với an sinh xã hội và quản lý phát triển đô thị?

Để bảo đảm thực hiện hoàn thành 2 nhiệm vụ kép về phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt cả hệ thống chính trị, qua đó thị xã ban hành 4 kế hoạch, 6 công văn chỉ đạo và trên 10 văn bản có liên quan công tác phòng chống Covid-19, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành sắp xếp cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo nhiệm vụ công tác được vận hành xuyên suốt.

Ngoài ra, thị xã chỉ đạo ngành chuyên môn tập trung rà soát, đánh giá toàn diện tác động của Covid-19, nhằm kịp thời xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 đã đề ra.

Thị xã Ngã Năm sẽ đề ra những nhiệm vụ nào về định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới trong điều kiện chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững?

Ngã Năm là đô thị trung tâm vùng về phía tây của tỉnh Sóc Trăng, từ mùa khô năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nhất là nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, song Đảng bộ và chính quyền thị xã Ngã Năm tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Mọi hoạt động của thị xã đều phải song hành với chương trình xây dựng nông thôn mới bằng cách tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch trên các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Tất cả các ngành phải chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thay đổi diện mạo đô thị và bộ mặt nông thôn.

Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền trong năm nay là, phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả và phục hồi nền kinh tế và an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp an tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị và thu hút đầu tư…

Trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã và đang diễn ra, đòi hỏi sự nỗ lực đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp làm tiền đề tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các khó khăn thách thức khác trong nhiệm kỳ tới, thị xã Ngã Năm đã đề ra 6 giải pháp quan trọng:

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung, huy động mọi nguồn lực tạo bước đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững; trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trong sản xuất và có lợi thế cạnh tranh; phát triển nền nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi giá trị; gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phấn đấu xã Tân Long được công nhận “Đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao”, phường 1 được công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Hai là, tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm; xúc tiến triển khai thực hiện các dự án ưu tiên thu hút đầu tư thuộc Cụm công nghiệp, Phân trường Thạnh Trị, Dự án khu chợ và nhà ở thương mại Tân Long, Dự án Khu nhà ở thương mại và chợ phường 2, phát triển Chợ nổi Ngã Năm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, đồng thời khai thác tốt các nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phục vụ phát triển hạ tầng.

Ba là, tạo bước chuyển biến mới về chất lượng trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, có tính thiết thực và hiệu quả. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá giáo dục; tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học, phấn đấu có 25/28 trường được công nhận đạt chuẩn; đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo bình đẳng giới và công bằng xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nền hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ, từng bước hướng đến nền hành chính phục vụ.

Năm là, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh và giữ vững ổn định chính trị.

Sáu là, tiếp tục quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; thường xuyên quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tập trung chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, đảm bảo đạt yêu cầu, tiến tới chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.