Thị trường khách sạn “ngấm đòn” vì Covid-19

Ngày 6-5, CBRE Việt Nam công bố báo cáo tiêu điểm thị trường khách sạn quý I/2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế, ngành du lịch và thị trường khách sạn của Việt Nam.

Báo cáo nêu rõ với các biện pháp giới hạn di chuyển, giãn cách xã hội và quan ngại chung của du khách, Việt Nam chỉ đón 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong quý I/2020, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, và lượt khách du lịch nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2-4 năm 2020 có thể lên đến 5,9-7,7 tỉ USD. Các khách sạn, công ty lữ hành và công ty du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn này. Nhiều khách sạn phải đi từ rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, sa thải nhân viên, đến tạm thời đóng cửa khi quá trình vận hành không thể mang lại mức hòa vốn tối thiểu…

Thị trường khách sạn “ngấm đòn” vì Covid-19 - Ảnh 1.

Du khách đến Việt Nam sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng tới thị trường khách sạn. Ảnh: Khách quốc tế tới TP HCM thời điểm tháng 2-2020. Ảnh: Thái Phương

Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhận xét những biến động lớn cũng mang đến cơ hội khi đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những chủ đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc.

Với phân khúc đầu tư khách sạn, đến cuối quý I, khi thị trường đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, giao dịch có thể bị chững lại. Ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific, nhận xét khi tình hình hoạt động trong ngắn hạn của thị trường khách sạn giảm xuống mức thấp kỷ lục và không có sự chắc chắn bao lâu thị trường phục hồi hoàn toàn, giá trong các thương vụ khách sạn có thể giảm xuống. Dự kiến những khách sạn phụ thuộc nhiều vào phân khúc khách du lịch quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các phân khúc khác.

Từ đầu quý II, CBRE Việt Nam nhận thấy có sự gia tăng nhu cầu tìm mua những khách sạn đang gặp khó khăn về dòng tiền, trong khi số lượng tài sản có nhu cầu bán ở phân khúc 4 và 5 sao là không đáng kể vì chủ sở hữu, chủ đầu tư ở các phân khúc này thường là những tập đoàn lớn có đủ dự trữ vốn để vượt qua đợt khủng hoảng này. Một số khách sạn cao cấp đang được chào bán hiện nay thực ra đã được mở bán từ trước khi dịch bệnh xảy ra.

Thị trường khách sạn “ngấm đòn” vì Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa) phải đóng cửa trong mùa dịch. Ảnh: Kỳ Nam

Tại TP HCM, thị trường khách sạn được dự báo sẽ chào đón nguồn cung mới với khoảng 3.000 phòng từ 15 dự án trong giai đoạn 2020 – 2023. Ngành kinh doanh khách sạn hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch và nhiều công trình khách sạn cũng phải tạm ngưng hoạt động xây dựng. Do vậy việc khai trương các khách sạn mới có thể sẽ bị trì hoãn.

Hầu hết khách sạn trên địa bàn TP HCM đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong đại dịch. Giá phòng bình quân tại TP đạt 110,3 USD trong quý đầu năm giảm 12,7% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ ở mức 42%. Sự hồi phục của thị trường được dự báo diễn ra tương đối chậm và phụ thuộc nhiều vào những diễn biến trên thế giới…


Sơn Nhung

Chia sẻ