Thấy gì từ quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước?

Từ ngày 23-9, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các mức lãi suất điều hành mới. Việc điều chỉnh được cơ quan quản lý giải thích do xu hướng lạm phát quốc tế vẫn tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát.

Việc tăng lãi suất được thực hiện ngay sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm. FED cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.

Ở trong nước, đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong 2 năm trở lại đây. Trước đó vào năm 2020, trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường của các ngân hàng giảm mạnh và dịch COVID-19 bùng phát, nhà điều hành đã có tới ba lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Do đó, việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ…

Thấy gì từ quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước? - Ảnh 1.

Từ ngày 23-9, lãi suất điều hành sẽ áp dụng theo mức mới sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước

Đánh giá về động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), cho rằng Việt Nam lần đầu tiên tăng lãi suất trong bối cảnh FED đã điều chỉnh tăng 5 lần. Bởi, Việt Nam vẫn có dư địa vĩ mô tốt để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, trong khi lạm phát ở Mỹ lên mức cao vài chục năm. 

“Phải thấy rằng áp lực lãi suất của FED, đồng USD tăng giá nhiều, nếu Việt Nam không hành động thì rất có thể bị muộn nên thời điểm này tăng lãi suất có thể là hợp lý. Bởi FED không chỉ tăng 0,75% trong tháng 9 mà còn có thể tăng tiếp hơn 1% cuối năm. Đồng USD tăng lên là rõ, nên đây là thời điểm phù hợp Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ lãi suất để điều hành vĩ mô trong thời gian tới” – ông Bảo Ngọc phân tích.

Trong báo cáo cập nhật về động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng. Dù vậy, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.

Theo các chuyên gia phân tích của chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động nhưng lại cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng, như các ngân hàng có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ chống chịu tốt hơn trước xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Trong xu hướng lãi suất đầu vào tăng, lãi suất cho vay có tăng theo? Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, từ trước đến nay lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại thấp và phụ thuộc vào lãi suất điều hành. Nhưng lãi suất cho vay hoàn toàn do các ngân hàng quyết định. Điều này lý giải vì sao nhiều khi lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, không như mong đợi của thị trường và cơ quan quản lý.

“Do đó, với mặt bằng lãi suất hiện tại, việc tăng thêm 0,5 hay 1% thì không khó khăn gì với hệ thống ngân hàng” – ông Bảo Ngọc nói thêm,

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho rằng trong điều kiện nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng USD, diễn biến này cũng tác động và gây áp lực lớn với tỉ giá trong nước. Đặt trong mối liên hệ lãi suất – tỉ giá- lạm phát, với yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, kìm giữ lạm phát, việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn là phù hợp và cần thiết. Việc tăng lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng còn giúp tổ chức tín dụng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Từ 23-9, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.


Thái Phương. Ảnh: Bình An