Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, sự thay đổi tư duy trong thiết kế chính sách của Việt Nam giúp củng cố thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. 

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.

Kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo ông, vì sao trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn giành được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI?

Chưa bao giờ, kinh tế Việt Nam trải qua khó khăn như năm 2021. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống của người dân đã phải chịu cú sốc nặng nề chưa từng có. Nhưng chúng ta đã vượt qua khá ngoạn mục.

Ngoại trừ tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác đều đạt kết quả ấn tượng, như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%; xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,2%. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới vật lộn với lạm phát, thì Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam chỉ tăng 1,84% – mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tất cả những yếu tố trên đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Niềm tin ngày càng được củng cố khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, thưa ông?

Việt Nam đã nhiều lần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh mỗi khi gặp khó khăn. Năm 2020 và năm 2021, Việt Nam cũng sử dụng gói tài khóa, tiền tệ tương tự, nhưng cái hay của gói hỗ trợ lần này không chỉ là quy mô rất lớn, lên đến 350.000 tỷ đồng, mà còn thay đổi hẳn cách tiếp cận, không gọi là hỗ trợ để vượt qua khó khăn, mà là hỗ trợ để phục hồi và phát triển cả kinh tế lẫn xã hội.

Với 2 công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng hàng đầu là tài khóa và tiền tệ được thiết kế trong gói hỗ trợ có sự phối hợp đồng bộ, đây là điều không dễ có được trong những lần thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, cũng như khi thực hiện các gói hỗ trợ nói riêng, trong đó, chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột.

Theo ông, trụ cột của chính sách tài khóa trong gói hỗ trợ lần này thể hiện ở những điểm nào?

Điểm nổi bật của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển lần này là nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa, khác hẳn với tất cả những lần hỗ trợ trước đây. Nếu trước đây, việc hỗ trợ tài khóa chủ yếu là giãn, hoãn, gia hạn một số khoản thuế, thì lần này mạnh dạn giảm các khoản thu vào ngân sách nhà nước.

Quan trọng hơn, trước đây, chúng ta cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khó khăn, thì nay giảm thẳng vào thuế gián thu, cụ thể là giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8%, nên sẽ tác động rất mạnh đến cả hoạt động sản xuất, giao dịch trên thị trường hàng hóa lẫn đời sống của người dân. Giảm 2% sắc thuế này có tác động rất lớn đến giá bán hàng hóa, dịch vụ vì người bán có điều kiện không phải tăng giá trong điều kiện sức ép về chi phí đầu vào tăng. Nhờ đó tăng được doanh thu, tác động tích cực trở lại đến khâu sản xuất. Còn người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá rẻ hơn do được giảm thuế GTGT, vì bản chất sắc thuế này đánh vào người tiêu dùng.

Nhiều nước trên thế giới đã phải điều chỉnh chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế để đối phó với lạm phát. Thưa ông, việc giảm thuế GTGT liệu có giảm sức ép lên lạm phát, khi giá xăng dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay?

Giảm thuế GTGT chắc chắn giúp kiềm chế, kiểm soát tốc độ tăng CPI. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng tháng vô cùng lớn (tháng 1/2022 đạt 470.700 tỷ đồng), nên việc giảm 2% thuế GTGT tác động mạnh đến mặt bằng giá cả.

Tôi cho rằng, giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất là lựa chọn chưa từng có tiền lệ.

Ngoài ra, cũng phải kể đến gói hỗ trợ lãi suất 2%. Đây không phải là chính sách xa lạ mà Việt Nam đã từng nhiều lần thực hiện, nhưng lần này tiếp cận đối tượng hoàn toàn khác. Trước đây, chính sách quy định đối tượng hỗ trợ lãi suất, nếu không thuộc đối tượng thì “đứng sang một bên”, nhưng lần này, tư duy thay đổi hoàn toàn ngược lại, chỉ quy định đối tượng không được hưởng, còn lại thì đều nghiễm nhiên được hưởng. Cách tiếp cận hỗ trợ mới không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, mà còn giúp việc triển khai thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện.

Niềm tin của doanh nghiệp nói chung một lần nữa được củng cố nhờ tư duy tiếp cận vấn đề trong các quyết sách hoàn toàn thay đổi, thưa ông?

Tôi cho rằng, gói chính sách lần này không chỉ kế thừa những gì đã đạt được trong năm 2020 và năm 2021, mà còn mang dấu ấn của hội nhập, sự bắt nhịp chung của kinh tế Việt Nam đồng hành với thế giới, với xu thế hiện đại nhất, đảm bảo tăng trưởng vừa cao, vừa ổn định, đồng thời bảo vệ môi trường và bền vững. Chính điều này một lần nữa củng cố niềm tin của doanh nghiệp.

Bên cạnh quy mô lớn, gói hỗ trợ lần này còn có cả sự thay đổi về chất. Chất ở đây là tư duy thiết kế chính sách, tư duy định hướng dòng tiền và tạo điều kiện tối đa để thực thi chính sách thuận lợi, hiệu quả.