Sức cũng có hạn

TKV theo thông tin từ TKV, Tập đoàn này cam kết cung cấp đủ khối lượng than theo hợp đồng đã ký với các nhà máy nhiệt điện. Riêng các nhà máy nhiệt điện BOT với tiến độ huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khả năng TKV phải cấp tăng khoảng 2 triệu tấn.

Trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng than TKV giao cho các nhà máy điện đạt 13,527 triệu tấn, tương đương 35% so với khối lượng hợp đồng thoả thuận.

Cảng than Cẩm Phả. Ảnh: Tringj Đạt
Cảng than Cẩm Phả. Ảnh: Tringj Đạt

“Lượng than TKV cung cấp cho các nhà máy này về cơ bản đạt tiến độ. Đáng nói, TKV cũng cung cấp than cho một số nhà máy nhiệt điện đã vượt tiến độ hợp đồng như một số nhà máy nhiệt điện BOT huy động lượng than cao (4,838 triệu tấn, bằng 43,2% kế hoạch cả năm là cần 11,2 triệu tấn)”, đại diện TKV thông tin.

Liên quan đến than nhập khẩu, TKV cho biết, sau khi ký hợp đồng cung cấp than năm 2023, TKV đã chủ động lập kế hoạch nhập khẩu than về pha trộn từ cuối năm 2022. Trong quý I/2023, TKV đã nhập khẩu khoảng 2,1 triệu tấn; quý II/2023 đang tiến hành nhập khẩu với kế hoạch khoảng 2,6 triệu tấn.

Được biết, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 13/5 và tinh thần thống nhất trong buổi làm việc giữa lãnh đạo hai Tập đoàn TKV- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 9/5 về việc cân đối khối lượng than cung cấp tăng cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong các tháng mùa khô 5-6-7/2023, TKV đã ngay lập tức triển khai và cấp bổ sung 300.000 tấn cho các nhà máy nhiệt điện của EVN trong nửa cuối tháng 5/2023.

Các tháng 6-7/2023, TKV cũng sẽ tăng khối lượng cấp cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 180.000 tấn/tháng, trong đó các nhà máy của EVN khoảng 80.000 tấn/tháng, tăng 6% so với tiến độ cam kết trong hợp đồng.

Trong các tháng cao điểm nắng nóng tại miền Bắc, nhiệt độ nước làm mát đầu vào của các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc tăng cao.
Để đảm bảo đáp ứng đúng theo các qui định, tiêu chuẩn nhiệt độ nước làm mát đầu ra, các tổ máy nhiệt điện sẽ phải giảm công suất phát (nhiều thời điểm phải giảm khoảng 50% công suất phát trong những ngày nắng nóng). Điển hình là các Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Mông Dương.

Như vậy, tổng khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2023 của TKV sẽ vượt khoảng 6% so với kế hoạch năm 2023. Cạnh đó, TKV sẽ cung cấp thêm chủng loại pha trộn nhập khẩu than cám 5a.14, 5b.14, 6a.14 có chỉ tiêu chất bốc khô tối đa 12% phù hợp với công nghệ của một số nhà máy nhiệt điện mới bảo đảm cung cấp đủ than cho các nhà máy vận hành.

Tuy vậy, phía TKV cũng cho hay, với tình hình sản xuất than hiện tại và nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng được do chưa được phép khai thác vượt dưới 15% và Giấy phép khai thác cho một số dự án chưa được cấp mới, thì Tập đoàn này cũng gặp khó khăn.

Cụ thể, nếu không được tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vướng mắc này thì trong năm 2023, than nguyên khai có thể khai thác được sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm khoảng 2-3 triệu tấn than pha trộn nhập khẩu cấp cho sản xuất điện. 

Bởi vậy, TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN đưa ra giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện BOT để giảm áp lực cho TKV có than trong nước để pha trộn với than nhập khẩu.

Đồng thời đề nghị Bộ Công thương ủng hộ chủ trương và báo cáo Chính phủ để các nhà máy BOT sử dụng than pha trộn nhập khẩu giảm áp lực cho sản xuất than trong nước của TKV.

Đáng chú ý, TKV đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN huy động tất cả các nguồn điện (năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu,…) để không dồn áp lực cho một nhà cung cấp than là TKV.

Sản xuất điện toát mồ hôi

Theo EVN cho hay, khả năng cung cấp của TKV và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) cho sản xuất điện năm 2023 là 46 triệu tấn, thấp hơn so với Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt tại Quyết định số 163/QĐ-BCT ngày 06/02/2023 là hơn 6 triệu tấn. Trong đó, riêng với các nhà máy của EVN thiếu 1,3 triệu tấn.

EVN và các đơn vị thành viên cũng nhiều lần làm việc, đồng thời có văn bản đề nghị TKV và TCT Đông Bắc tăng khối lượng than cấp, nhưng lượng than tăng thêm trong 4 tháng đầu năm không đáng kể so với nhu cầu của các nhà máy điện.

Nhiệt điện Duyên Hải 3 và 3 mở rộng không có khả năng nhập khẩu than trước ngày 25/5/2023
Nhiệt điện Duyên Hải 3 và 3 mở rộng không có khả năng nhập khẩu than trước ngày 25/5/2023

Trong các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 5 đến tháng 7/2023), dự kiến nhu cầu than cho các nhà máy tiếp tục tăng cao. Riêng đối với các nhà máy của EVN, khối lượng than theo hợp đồng với TKV và TCT Đông Bắc vẫn còn thấp hơn so với nhu cầu của các nhà máy khoảng 900.000 tấn (chiếm 12,7% tổng nhu cầu than).

Đáng nói là dù đã tích cực đàm phán với TKV và TCT Đông Bắc để tăng khối lượng than cấp trong các tháng cao điểm mùa khô, nhưng vẫn chưa đủ theo nhu cầu của các nhà máy điện.

EVN cũng cho biết, việc mua than bổ sung cho lượng than do TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp được gặp nhiều khó khăn do không có chủng loại than phù hợp trên thị trường. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng thiếu than trong một số thời điểm tại các Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Thái Bình 1, Sơn Động, Uông Bí, Duyên Hải 1.

Trong điều kiện nắng nóng, khô hạn kéo dài, một số tổ máy nhiệt điện than lại đang bị sự cố/suy giảm công suất khoảng 2.600 – 3.600 MW, gồm tổ máy S4 Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1, tổ máy S6 Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 (thuộc EVN) và tổ máy S1 Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, tổ máy S2 Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, tổ máy S1 Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.

Đối với than nhập khẩu, trong kế hoạch cung cấp điện năm 2023 được Bộ Công thương phê duyệt, các nhà máy sử dụng than nhập khẩu dự kiến được huy động rất thấp trong năm 2023 do giá than nhập khẩu cao đã diễn ra trong năm 2022, có lúc lên tới 400 USD/tấn.

Tuy nhiên, ít tháng gần đây, chỉ số than nhập khẩu có biến động, chỉ số giá than NEWC giảm 50% so với đầu năm, chỉ số ICI3 giảm còn 87% so với đầu năm. Điều này cũng khiến giá bán điện than đã dễ thở hơn nhiều so với mức giá 3.500 – 4.000 đồng/kWh trong năm 2022 và có thể tham gia chào giá trên thị trường cạnh tranh để vận hành trở lại.

Dẫu vậy thì thực tế nắng nóng bật tăng nhanh trong nửa cuối tháng 4 trong khi khô hạn diễn ra khốc liệt hơn, nước hồ thuỷ điện về thấp khiến phải huy động nhiều nhiệt điện từ than hơn lại bị thách thức là nguồn than nhập khẩu từ lúc đặt cho tới lúc nhập khẩu về cũng phải mất cả tháng chứ không nhanh trong vài ngày, dẫn đến một số thời điểm bị thiếu than cho vận hành

Ngoài ra, trong quá trình vận hành, một số tổ máy nhiệt điện phải ngừng/giảm công suất do thiếu than khoảng 2.038 MW, bao gồm: Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng, Sông Hậu 1.

EVN cũng dự kiến, các nhà máy nhiệt điện than như Thái Bình 1, Sơn Động, Nghi Sơn 1, Hải Phòng, Mông Dương 1, Quảng Ninh, Duyên Hải 3 và 3 mở rộng, Duyên Hải 1 có nguy cơ thiếu than trong tháng 5. Đặc biệt, Nhà máy điện Duyên Hải 3 và 3 mở rộng (tổng công suất hơn 1.200 MW) ở Trà Vinh không có khả năng nhập than trước ngày 25/5/2023.