Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 934-TB/TU về “Kết luận của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.

Theo đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong – Trưởng ban Chỉ đạo thống nhất kết luận: Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội” và 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố” đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, tạo chuyển biến vững chắc trong công tác xây dựng Đảng, giải quyết khó khăn, vướng mắc, những vấn đề dân sinh, bức xúc, trên cơ sở đó tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài, tồn đọng, hạn chế thấp nhất các đoàn khiếu kiện đông người. 

Tạo được sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Trước hết là đối với các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn, quận, huyện và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU, vẫn còn một số tồn tại như: Nhận thức của một số cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự đầy đủ toàn diện, còn chủ quan, chưa nắm chắc tình hình cơ sở, bị động, ứng phó chậm trong việc giải quyết vụ việc; chưa coi trọng việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU; vẫn còn có đơn vị chưa chủ động trong việc tự giải quyết vụ việc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại Thành phố mặc dù nhiều việc có thể tập trung tháo gỡ trong thẩm quyền. 

Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng ở một số nơi còn yếu; có nơi còn để xảy ra vi phạm; việc giải quyết tồn tại về đất đai và một số vụ việc phức tạp còn chậm…

Từ những vấn đề nêu trên, xác định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. Tuy nhiên, cần thường xuyên cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo, quy định mới của Trung ương, Thành phố đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để toàn diện, phù hợp với thực tiễn và tình hình mới.

Trong đó, các cấp ủy phải bám sát tình hình thực tiễn, sâu sát thực tế cơ sở, các giải pháp đưa ra để thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU phải đồng bộ gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Đồng thời, quan tâm nâng cao đời sống, nâng cao ý thức thực thi pháp luật của người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế mức thấp nhất vụ việc phát sinh từ cơ sở.

Tăng cường nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội và công tác truyền thông, chủ động trong việc cung cấp thông tin, công khai, minh bạch, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo các cấp, có phân công phân nhiệm rõ ràng. 

Qua đó, tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đúng bản chất các sự việc về các vấn đề nóng, phức tạp xảy ra trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 

Đẩy mạnh công tác dự báo tình hình, nhất là những nơi triển khai thực hiện các Dự án như đường Vành đai 4, triển khai quy hoạch sông Hồng, các dự án liên quan đến môi trường, rác thải, nghĩa trang… sẽ diễn biến phức tạp; nhận diện sớm các biểu hiện yếu kém, những vấn đề cần quan tâm củng cố ở từng tổ chức cơ sở đảng.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là những nơi tiềm ẩn phát sinh điểm nóng. 

Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên để mọi người dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Quan tâm chăm lo, xây dựng, củng cố đồng bộ, toàn diện đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn về năng lực, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo; phương pháp công tác; kỹ năng xử lý các tình huống. Quan tâm xây dựng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.