Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ được kỳ vọng sẽ tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học.

Đáng chú ý, Nghị định quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan khác.

Cơ sở giáo dục đại học công lập được giao quyền sử dụng theo hình thức ghi tăng tài sản, cơ sở giáo dục đại học tư thục được giao quyền sở hữu tài sản và phải hoàn trả giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc thương mại hóa và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023. Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, quy định mới này sẽ giúp cho sinh viên các trường đại học được rèn luyện, tăng khả năng kết nối và kiếm tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tránh tình trạng doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự phải đào tạo lại như hiện nay.

Được biết, trên thế giới, việc gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo đại học đã hoạt động theo những mô hình khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi trường. 

Tại Hoa Kỳ, Thung lũng Silicon được xem như một vườn ươm công nghệ do Đại học Stanford khởi xướng. Nơi đây thường được nhắc đến như biểu tượng thành công của mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học ra thị trường. 

Mô hình này thường đi theo 4 bước. Đầu tiên là sự hình thành kết quả nghiên cứu từ các hoạt động (đề tài, dự án) của trường đại học. Bước này sẽ cho ra các kết quả nghiên cứu dưới dạng ý tưởng hoặc mô hình. 

Bước tiếp theo là đánh giá và hoàn thiện công nghệ. Stanford có thể sẽ quyết định tiếp tục nghiên cứu thêm hoặc tiến hành sản xuất thử nghiệm trong xưởng thực nghiệm hoặc phòng thí nghiệm. 

Kính phí để thực hiện giai đoạn này phần lớn vẫn dựa vào kinh phí của trường, cũng có một số ngoại lệ là từ ngoài trường (doanh nghiệp, cá nhân nhà khoa học…) nhưng nhìn chung không đáng kể.

Công nghệ được nghiên cứu hoàn thiện cho đến khi đạt được một mức độ cao hơn như sáng chế (patent). Lúc này các quỹ đầu tư mạo hiểm (của tư nhân hoặc chính phủ) sẽ rót vốn để thúc đẩy quá trình thương mại hóa Patent, đưa sản phẩm ra thị trường. 

Ở một thị trường công nghệ năng động như Hoa Kỳ, một patent từ một trường đại học danh tiếng như Stanford sẽ nhanh chóng nhận được vốn để tiến hành thương mại hóa, nghĩa là ứng dụng vào hình thành sản phẩm hoặc dịch vụ cung ứng ra thị trường.

Điển hình nhất cho mô hình này là sự hình thành của tập đoàn Google (hiện nay đã được tái cơ cấu dưới một công ty mẹ mới có tên là Alphabet Inc.) Năm 1996 Google chỉ là một công trình nghiên cứu của Larry Page và Sergey Brin, hai nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford. 

Họ đã thử lập ra một công cụ tìm kiếm các thông tin về học thuật, tiện ích, dịch vụ để sử dụng trong nội bộ trường đại học. Sự hữu dụng của công cụ tìm kiếm này đã giúp cho cái tên Google nhanh chóng được nhiều người biết đến.

Năm 1998, Google chính thức được thành lập dưới sự hậu thuẫn của Đại học Stanford (góp vốn bằng quyền sở hữu sáng chế “kỹ thuật sắp xếp trang web PageRank”).

Tiếp theo, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Andy Bechtolsheim, Dave Cheriton và Ram Shriram bắt đầu rót vốn. Đây là những nền tảng quan trọng để hình thành một tập đoàn công nghệ lớn như hiện nay.

Ngoài ra, còn nhiều cái tên quen thuộc khác có trụ sở làm việc ở Thung lũng Silicon như: Sun Micro Systems, 3D Graphics và Silicon Graphics…, tất cả đều phát triển xung quanh Đại học Stanford. 

Tại Việt Nam, một trong số nhiều trường đại học cũng đang làm rất tốt việc kết hợp với doanh nghiệp để tạo tiền đề vững chắc cho sinh viên ra trường có việc làm là Đại học Phenikaa.

Theo GS.TS.Phạm Thành Huy, như tại Phenikaa, những năm qua trường đã thành lập nhiều công ty như: Công ty Phenikaa T, Công ty Chuyển đổi số Phenikaa, Công ty CP Phenikaa X, Công ty cổ phần công nghệ và giải pháp chiếu sáng… 

Với những công ty này, sinh viên có thể thể được trải trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập nhiều hơn tại các công ty mà còn giúp tăng doanh thu cho trường, giảm bớt gánh nặng học phí đến với người học, thúc đẩy các sản phẩm mới để tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội….

Về nguồn nhân sự là sinh viên tốt nghiệp đại học, bà Phan Thị Hồng Dung, Chủ tịch Mạng lưới EduLightenUp cho hay, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hàng năm cả nước có khoảng 400.000 cử nhân ra trường thì có đến 60% sinh viên làm việc trái nghề và hơn 60% sinh viên nghỉ việc trong một năm đầu tiên.

Trong khi, thực tế tại các doanh nghiệp thì lại điêu đứng, khốn đốn vì thiếu lao động. Đây chính là khoảng trống rất lớn giữa cung và cầu.

Theo bà Dung, nguyên nhân chính là công tác hướng nghiệp vẫn chưa đúng và trúng với nhu cầu lao động; Năng lực thích nghi và hội nhập thành công với môi trường làm việc ở các bạn trẻ còn yếu.

Chính vì vậy, khi định hướng nghề nghiệp, sinh viên sau tốt nghiệp cần xác định được một số yếu tố quan trọng như: Sở thích, đam mê; Tính cách; Năng lực; Nhu cầu thị trường…

Chủ tịch Mạng lưới nhấn mạnh, việc hướng nghiệp cho học sinh THPT rất quan trọng chính gì thế gia đình và nhà trường cần giúp học sinh hiểu rõ bản thân mình, biết mình đam mê lĩnh vực nào, có năng lực ở nhóm công việc gì, muốn làm nghề gì và trở thành ai trong tương lai.

Việc hiểu rõ bản thân giúp các sinh viên sau khi ra trường có động lực vượt qua được các định kiến nghề nghiệp của xã hội, có cơ sở để không phải chọn theo số đông, theo kỳ vọng của mọi người xung quanh bởi không phải khuynh hướng nào cũng phù hợp với từng cá nhân.

Bên cạnh đó, việc hiểu rõ chính mình giúp các bạn trẻ có niềm tin vào bản thân, xác định mục tiêu, lộ trình học tập phù hợp.

Gia đình và nhà trường không nên ép buộc hay có các lời khuyên mang tính giả định gây hoang mang tâm lý của các bạn, thay vào đó cần thể hiện rõ vai trò đồng hành, khuyên nhủ, động viên, có thái độ sẵn sàng chia sẻ và giúp các bạn trẻ hiểu ý nghĩa của việc hiểu rõ chính mình.

Ngoài ra, việc tự trải nghiệm, cọ xát thực tế, tham gia thực hành các hoạt động liên quan đến ngành nghề giúp các tân cử nhân nhìn nhận được công việc tương lai dưới góc độ thực tiễn hơn.

Từ đó, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp sẽ có các hình dung chính xác hơn về công việc. Bên cạnh đó, các cô cử, cậu cử cũng sẽ rút ra được các kinh nghiệm, các đánh giá đúng đắn hơn về sự phù hợp của bản thân với ngành, nghề.