,
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh 

Trong phiên làm việc sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phát biểu góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh nhắc tới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tới quá trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc phát triển.

Trong quá trình này, nhiều mô hình hoạt động và kinh doanh mới xuất hiện nhờ công nghệ số di động, đám mây, cảm biến, phân tích, AOT, AI, như xe tự lái ứng dụng kỹ thuật thực tế ảo.

Tuy nhiên, ông Bình lo ngại vì chưa có quy định về tài sản trí tuệ trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

“Dự thảo chưa xác định khái niệm tài sản trí tuệ nên hiện có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ. Nếu như trong các lĩnh vực kinh tế khác, giá trị tài sản lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhà máy, thiết bị công trình thì trong kinh tế số, tài sản có giá trị nhất lại là phần mềm dữ liệu, hệ thống thông tin, đây đều là các đối tượng tài sản được bảo hộ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ”, đại biểu phân tích.

Bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số, công nhận các loại tài sản số, bảo vệ tài sản số trong các hợp đồng dân sự, bảo vệ tài sản số bằng pháp luật hình sự, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bảo đảm giao kết hợp đồng là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn hay thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng tốt.

“Tôi trân trọng kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bổ sung vào dự thảo luật lần này các quy định việc ghi nhận, bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trên môi trường số theo hướng bảo vệ quyền tài sản cá nhân, quyền sở hữu cá nhân với dữ liệu bảo đảm và thúc đẩy các giao kết hợp đồng”, đại biểu Thạch Phước Bình gửi kiến nghị.

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị, để nâng cao năng lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, cần bổ sung các quy định về việc phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc xây dựng quy định về thực thi sở hữu trí tuệ trong môi trường số theo hướng đáp ứng yêu cầu của các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta.

Điều này sẽ tạo nên một hệ thống quy định thực thi về sở hữu trí tuệ trên môi trường số một cách thống nhất, trong đó có những quy định cụ thể nhằm xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, chủ thể xâm phạm cũng như cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Hà Nội cũng đề xuất Luật Sở hữu trí tuệ mới cần điều chỉnh, bổ sung để đẩy mạnh bảo hộ phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Bà Lan cũng ghi nhận, Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn, như Điều 86a, quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì; như Điều 133a, 135, 136a.

Đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học. Dự thảo luật cũng đã bổ sung nội dung về nguồn gen và tri thức bản địa cho phép góp vốn bằng tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ

.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Về vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt cơ quan chủ trì thẩm tra cho biết sẽ ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Vì, tài sản trí tuệ là một khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra và mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù và đặc trưng riêng, khác biệt các loại khác, do đó rất khó để chúng ta có thể có một định nghĩa chung về thế nào là khái niệm chung về tài sản trí tuệ.

Về mặt pháp luật, tài sản trí tuệ được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau và pháp luật về sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài sản trí tuệ.

Việc bảo hộ, bảo vệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định, cụ thể là các đối tượng và quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay được điều chỉnh ở trong Luật Sở hữu trí tuệ gồm 3 nhóm: quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng.

Việc bổ sung khái niệm “tài sản trí tuệ”, dự thảo luật rất khó để bảo đảm tính bao quát và cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động trong mối quan hệ với các luật có liên quan khác như Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng…