.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp chiều 11/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quá trình lấy ý kiến nhân dân có một số vấn đề lớn mà nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn, nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/5.

Không nói rõ nội hàm các “vấn đề lớn” nói trên, song Phó thủ tướng trình bày “Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nếu là những nội dung chưa được tổng kết, vì vậy, chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi có cơ chế xử lý, nhân dân có ý kiến đề xuất cụ thể, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động của Cơ quan soạn thảo cho thấy cơ sở hợp lý của quy định, Cơ quan soạn thảo nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị báo cáo Chính phủ, Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội.

“Nếu là những nội dung đã được tổng kết, nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Theo dõi quá trình nhân dân góp ý cho thấy, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền sử dụng đất của đối tượng người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vì Luật Nhà ở hiện hành và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định cho phép đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng Luật Đất đai không có quy định đối với trường hợp này.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính nước ngoài để huy động vốn.

Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân, Cơ quan soạn thảo hồi âm: “Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, cơ quan soạn thảo xin giữ như quy định của dự thảo Luật”.

Trở lại tờ trình của Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân.

Về các nội dung cụ thể, Phó thủ tướng nêu, Dự thảo Luật bổ sung quy định người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp. Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó.

Dự thảo mới nhất cũng quy định cụ thể về điều kiện mua bán tài sản gắn với đất và chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm tại Điều 47 để ngăn ngừa việc lợi dụng đầu cơ trục lợi. Rà soát các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê quy định tại Điều 53 nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chính sách để huy động vốn vượt quá giá trị dự án, tạo rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tín dụng và các hậu quả xã hội khác; đảm bảo sự thống nhất đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Theo dự thảo mới, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tiếp thu ý kiến nhân dân, Dự thảo bổ sung một số trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với khu nông nghiệp, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch nhằm thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước.

Bổ sung quy định về điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phù hợp với dự thảo Luật Nhà ở đang được Quốc hội xem xét; các điều kiện cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, Phó thủ tướng thông tin

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm (khai mạc ngày 22/5).