Sớm gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

Đây là đề xuất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) trong báo cáo tổng hợp vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp (DN) các tháng cuối năm nay và đầu năm 2023.

Thách thức lớn về dòng tiền

Tổng hợp khó khăn từ các DN và hiệp hội, báo cáo của Ban IV cho thấy DN ở hầu hết ngành hàng đều nhận định hoạt động xuất, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, nhất là các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi-măng… Nhiều DN đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư ở châu Âu, Mỹ giảm mạnh.

Chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế. Tỉ giá USD/VNĐ tăng mạnh, lãi suất đi lên làm chi phí vốn sản xuất của nhiều DN nhích lên.

Sớm gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn .Ảnh: TẤN THẠNH

“Thách thức đặc biệt lớn đối với quá trình phục hồi của DN tư nhân Việt Nam là khó khăn về dòng tiền. Thiếu vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt DN, đặc biệt là DN tư nhân trong nước, vào những tình thế cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực” – ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, nêu trong báo cáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM-SX Thép Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – cho hay ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Đầu năm 2022, các DN sản xuất thép phải nhập khẩu nguyên liệu với giá tăng 25%-30% so với năm trước. Sau đó, giá nguyên liệu thép lại giảm mạnh, buộc giá thép trong nước phải giảm theo.

“DN mua nguyên liệu giá cao nhưng lại bán thép thành phẩm ra thị trường với giá thấp. Tỉ giá tăng cao cũng gây thiệt hại lớn. Giá thép bán ra đang lỗ khoảng 25%-30% trong khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm rất mạnh, 60%-70%, trong bối cảnh thị trường bất động sản đình đốn. Dù giá thép xuống thấp nhưng DN vẫn phải chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. DN cũng cần vốn để tiếp tục kinh doanh nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng hiện nay gần như không thể” – ông Thái băn khoăn.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương – Giám đốc Công ty Gỗ Danh Mộc, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) – cho biết tình hình xuất khẩu trong năm nay rất khó. Hiện các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như châu Âu, Mỹ lạm phát tăng cao khiến đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ (vốn chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu) không tăng trưởng, lại còn sụt giảm. Hàng tồn kho tăng cao nên nhà nhập khẩu không mặn mà đặt hàng mới.

“DN bị chậm dòng tiền bán hàng, thu hồi vốn; một số nhà máy phải hoạt động cầm chừng, giảm công suất, thậm chí tạm ngưng để chờ đơn hàng. Lúc này, DN rất cần dòng tiền ổn định để tiếp tục sản xuất. DN gỗ muốn được hỗ trợ tài chính, nhất là gói tín dụng 2% mà vẫn chưa tiếp cận được” – ông Chánh Phương nêu thực trạng.

Đề xuất tính tới giải pháp đặc biệt

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, nhận định nhu cầu vốn bảo đảm cho hoạt động sản xuất – kinh doanh luôn không thể thiếu, trong đó có DN du lịch. Nhưng hiện tại, việc tiếp cận vốn ngày càng khó khăn và lãi suất tăng nhanh gần đây khiến DN càng lo lắng. Chưa kể, cái khó nhất của DN du lịch trong tiếp cận vốn là yêu cầu phải có tài sản thế chấp – vốn là bài toán đau đầu, nhất là lĩnh vực lữ hành.

Ngay cả một số DN đã được cam kết cho vay vốn tín dụng nhưng cũng gặp khó vì chưa được giải ngân đúng tiến độ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhiều DN thủy sản dù đã được cam kết cho vay nhưng đến giờ chưa được giải ngân tiếp vì hạn mức tín dụng eo hẹp. DN thiếu vốn, phải hoạt động cầm chừng. Thậm chí, có DN đang triển khai dự án sản xuất thủy sản phải dừng lại.

Sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm nay có sự tăng trưởng mạnh bất ngờ (tăng 34% trong 10 tháng đầu năm 2022 – PV) nên DN khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không được ngân hàng hỗ trợ. Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét và có giải pháp nâng hạn mức tín dụng cho ngành và xuất khẩu thủy sản, nhất là giai đoạn cuối năm nay và cả năm 2023.

Để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của DN, nhất là với các DN tư nhân, trong bối cảnh khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Cụ thể, đó là chính sách giảm 2% thuế GTGT; chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

“Với thách thức liên quan thị trường tài chính, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham vấn các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế nhằm đánh giá bối cảnh, nhận diện giải pháp. Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho DN, như cho phép ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường” – Ban IV kiến nghị. 


LINH ANH – NGUYỄN HẢI – NGỌC ÁNH