.
Bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khẳng định là tự chủ bệnh viện là một chủ trương đúng, bà Đào Hồng Lan, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết các bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ xin dừng vì nghị quyết này chỉ cho thí điểm trong 2 năm.

Phát biểu cuối phiên thảo luận sáng 21/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xã hội hóa và tài chính y tế, bà Đào Hồng Lan cho rằng, đây là những vấn đề mới được đưa vào dự thảo, nếu được luật hoá sẽ giải quyết vướng mắc mà ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn, hiện nay, ngành y tế đang đối mặt phải mà những nội dung này chưa được quy định ở trong những dự án luật khác.

Chẳng hạn, với tự chủ bệnh viện, bà Lan cho rằng, đây là chủ trương đúng, trong thời gian vừa qua cũng đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực khám, chữa bệnh, sự đổi mới của các bệnh viện.

Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K – PV) xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết này, bà Lan giải thích, vì Nghị quyết 33 cho phép thí điểm tự chủ toàn diện trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi pháp luật về tự chủ quy định.

Hiện đã có Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công, cho nên việc xin dừng thí điểm theo Nghị định 33 chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 là hoàn toàn phù hợp với quy định, bà Lan nói.

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, vấn đề  rất được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, “Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn, trong khi nguồn lực nhà nước cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân”.

“Chúng ta xác định xã hội hóa, nhưng liên quan hệ thống công lập là chủ yếu. Vì hiện nay khoảng 95 – 98% vẫn thông qua hệ thống khám chữa bệnh của nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ, mặc dù xã hội hóa nhưng vai trò của nhà nước trong đầu tư quan tâm cho lĩnh vực y tế vẫn là trọng tâm”, bà Lan phát biểu.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ nội hàm của xã hội hoá y tế và quy định như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề gì trong thực tiễn.

Trước đó, tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, xã hội hoá là vấn đề rất quan trọng cần phải giải quyết ở lần sửa đổi này.

“Luật này giải quyết càng tốt thì nền y tế sẽ phát triển tốt hơn. Chúng tôi thấy xã hội hóa thì dễ thiết kế chính sách, dễ ủng hộ nhất là khu vực tư. Những chính sách để ủng hộ cho khu vực tư phát triển cần được thiết kế chặt chẽ”, ông Vinh đề nghị.

Theo ông Vinh, phần bệnh viện công nhưng được thực hiện một số dịch vụ có thu phí cũng là một biện pháp xã hội hóa.

“Chúng tôi khi ở địa phương thấy chính sách bệnh viện tự chủ bước đầu có rất nhiều thành công, thay đổi diện mạo của bệnh viện rất lớn, cả về dịch vụ, chất lượng khám, chữa bệnh. Nhưng gần đây lại xuất hiện những sai phạm, cuối cùng xu thế một số nơi lại đảo ngược, tức là trả lại việc tự chủ không làm nữa”, ông Vinh nêu thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục cho rằng, xung đột giữa cơ sở khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế là những vấn đề nếu giải quyết được tốt thì sẽ khai thác được yếu tố xã hội hóa trong các bệnh viện công, sẽ góp phần rất lớn để giảm tải cho khám, chữa bệnh diện rộng. Càng giảm tải được việc này thì chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ cho đông đảo người dân lại tốt lên.

Liên quan đến xã hội hoá, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói gần đây trên diễn đàn có ý kiến đề nghị không nên dùng từ xã hội hóa.

Không nên nói trái nghị quyết Trung ương, ông Định nhấn mạnh và cho rằng có thể thiết kế nội hàm xã hội hóa khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa.