Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Tổng thể quốc gia

Không gian mới, động lực mới

Dự kiến được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường lần thứ hai vào đầu năm 2023, Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Tổng thể quốc gia) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 18.

Trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 5 quan điểm phát triển và 5 quan điểm tổ chức không gian phát triển, nhấn mạnh không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng cũng nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Quy hoạch Tổng thể quốc gia lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu); Vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi) và Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia cũng định hướng phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc – Nam và 2 hành lang kinh tế Đông – Tây là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Mộc Bài – TP.HCM – Vũng Tàu.

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, các tài liệu, báo cáo kèm theo tờ trình của Chính phủ được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể.

Về nội dung, cơ quan thẩm tra chỉ ra rằng, Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã nêu một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng chưa rõ ràng. Trong nền kinh tế thị trường cần tạo cơ hội để phát triển đa dạng, nhưng Nhà nước vẫn cần phải ưu tiên phát triển một số lĩnh vực quan trọng, như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, điện tử, viễn thông, du lịch, với mục tiêu tạo ra một số lĩnh vực phát triển hàng đầu thế giới. Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của thế giới, đặc điểm về vị trí địa lý và thế mạnh của con người Việt Nam, từ đó đưa ra chính sách ưu tiên nhằm khuyến khích đầu tư và tạo động lực cho phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh nhận xét, Quy hoạch Tổng thể quốc gia chưa có đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ.

“Đây là các lĩnh vực kinh tế quan trọng của quốc gia, đề nghị bổ sung đánh giá và định hướng phát triển các lĩnh vực trên trong báo cáo quy hoạch. Trong đó, phát triển thị trường tài chính phải gắn với các trung tâm tài chính lớn đã được quy hoạch”, ông Thanh đề nghị.

Về giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh lưu ý, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng). Đây là con số rất lớn, cần tính toán kỹ để bảo đảm tính khả thi. Với những giải pháp hiện nay, việc huy động vốn đầu tư đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ông Thanh đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, từ đó xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý, sát với thực tế hơn và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Cơ bản tán thành với nội dung Quy hoạch Tổng thể quốc gia, góp ý thêm một số ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, về kết cấu, nên theo quy định của Luật Quy hoạch: làm rõ phạm vi ranh giới lập quy hoạch, quan điểm tầm nhìn và mục tiêu phát triển, cuối cùng là nội dung quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, điểm tốt là Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã chú trọng hành lang Đông – Tây. “Trước đây quá chú trọng phát triển hàng lang kinh tế theo hướng Bắc – Nam. Nếu không chú trọng thiết kết theo hướng Đông – Tây, thì nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí các nước sẽ không sử dụng cảng của Việt Nam”, ông Huệ lưu ý.

Dẫn ví dụ trục hành lang Hải Phòng – Quảng Ninh, nếu không làm tốt, thì hàng hóa của ASEAN qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc), rồi ra biển quốc tế, chứ không về cảng biển của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đồng tình, bên cạnh Hành lang kinh tế Bắc – Nam, thì ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Tiếp thu ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, vấn đề khó nhất và có nhiều ý kiến quan tâm nhất là phạm vi, ranh giới của Quy hoạch Tổng thể quốc gia dừng ở mức độ nào. “Hiện nay, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến bộ, ngành đều nói bản này còn thiếu, bản này còn mờ, bản này còn chưa rõ, phải bổ sung chi tiết này, chi tiết kia, nhưng nếu chi tiết quá lại trùng với quy hoạch của ngành, của tỉnh, của vùng… Nếu chung quá lại giống nghị quyết, chiến lược. Quy hoạch này nằm giữa chiến lược, nghị quyết với các quy hoạch chi tiết”, Bộ trưởng giải thích.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, điểm mới của Quy hoạch Tổng thể quốc gia là tập trung tạo ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, các vùng động lực, các cực tăng trưởng… lập không gian mới, tạo động lực mới cho phát triển một cách tốt nhất.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Chốt 5 nội dung dự kiến kỳ họp bất thường

Cũng trong phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, căn cứ vào đề xuất chính thức của Chính phủ và công tác chuẩn bị, thì kỳ họp này chỉ bao gồm 5 nội dung.

Một là, xem xét, quyết định Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Đây là nội dung cần kíp nhất, quan trọng nhất, quyết định vì sao có kỳ họp bất thường này”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Hai là, xem xét, thông qua Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ba là, xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3, Nghị quyết số 30/2021/QH15; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Bốn là, xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách (gồm: việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương).

Nội dung thứ 5 là công tác nhân sự. “Đề nghị Chính phủ tuyệt đối không đề xuất thêm nội dung nào nữa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về thời gian, dự kiến kỳ họp bất thường sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 9/1/2023, theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội.

Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng

Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ đặc biệt quan tâm, dành rất nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến. “Từ năm 2021, đã có rất nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các địa phương. Cho đến giờ này, có thể khẳng định, Quy hoạch Tổng thể quốc gia đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng”, ông Sơn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.