.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đang được các đại biểu cho ý kiến.

Theo Dự thảo, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch được xác định là nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch còn nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của Luật Quy hoạch còn bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau; tiến độ lập các quy hoạch rất chậm dẫn đến khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực thì không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần được thực hiện ngay đang được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu. 

Một là, Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch.

Hai là, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà chưa lựa chọn được nhà thầu. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp người có thẩm quyền quyết định không áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc áp dụng mà không lựa chọn được nhà thầu thì có thể áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, tự thực hiện hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.

Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong công tác quy hoạch.

Ba là, lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác về quy hoạch. Quy hoạch nào lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước.

Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cơ quan phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Bốn là, quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/ 2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt;

Năm là, sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn và các quy hoạch được điều chỉnh theo nội dung trong nhóm 3-4 trên.

Sáu là, quy định việc kèm theo bản đồ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tại Điều 37 Luật Quy hoạch.

Bảy là, hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, trong đó quy định cụ thể việc phân kỳ đầu tư triển khai các công trình, dự án.

Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 trong trường hợp có mâu thuẫn, Dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch.

Theo đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch có nội dung mâu thuẫn rà soát nội dung cần điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch cao hơn hoặc quy hoạch cùng cấp; lập báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch để gửi xin ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan;

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần điều chỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch;