Quảng Ninh lần thứ 3 liên tiếp giữ vững “ngôi vương” về môi trường kinh doanh thuận lợi

Ngày 5-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.

Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, TP thông qua 10 lĩnh vực có tác động tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, một tỉnh, TP có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp; Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; Chi phí không chính thức thấp; Môi trường kinh doanh bình đẳng; Chính quyền năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì.

Quảng Ninh lần thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi vương về môi trường kinh doanh thuận lợi - Ảnh 1.

Kết quả chỉ số PCI năm 2019

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), đại diện cho nhóm nghiên cứu, cho biết chỉ số PCI năm 2019 là kết quả có được từ việc khảo sát hơn 12.500 doanh nghiệp, ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề trên cả nước.

Đáng chú ý, Quảng Ninh là tỉnh năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu xếp hạng với 73,4 điểm, tăng 3 điểm so với PCI 2019. Năm nay, có 8 trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh này tăng điểm, cho thấy sự thay đổi tích cực.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng của Quảng Ninh. Năm vừa qua, địa phương này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Việc thanh toán phí, lệ phí tại Trung tâm hành chính công trở nên thuận lợi hơn, khi doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn một trong các hình thức: thanh toán trực tuyến (Internet banking), thanh toán thẻ (máy POS), thanh toán qua mã QR hoặc thanh toán bằng tiền mặt”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Quảng Ninh đã vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp, áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, số hóa dữ liệu điều hành, gửi và nhận văn bản liên thông giữa các ngành, các cấp.

Nằm trong nhóm 3 tỉnh thành phố đứng đầu PCI 2019 còn có tỉnh Đồng Tháp (72,10 điểm) và tỉnh Vĩnh Long (71,30 điểm). Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,10 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018.

Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương (điểm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,01 điểm) và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 0,99 điểm).

Nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh (70,79 điểm, vị trí thứ 4) và TP Hải Phòng (68,73 điểm, vị trí thứ 10), cùng với các tỉnh, thành phố khác bao gồm Đà Nẵng (70,15 điểm), Quảng Nam (69,42 điểm), Bến Tre (69,34 điểm), Long An (68,82 điểm) và Hà Nội (68,80 điểm).


Minh Chiến

Chia sẻ