Năm 2022 là năm Quảng Ninh ghi dấu ấn mạnh mẽ, tạo ấn tượng mạnh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Minh chứng là cả 4 chỉ số đo lường quan trọng PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS, Quảng Ninh đều đứng đầu toàn quốc.

Như vậy, 2022 là năm thứ 2 (sau năm 2020), Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu cả 4 chỉ số đo lường này. Điều này có được là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn cải cách, đổi mới, sáng tạo, tạo niềm tin bền vững, sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về một nền hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, công khai, minh bạch.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo về kết quả DDCI năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo về kết quả DDCI năm 2022. Ảnh: Thanh Sơn

Ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh xác định là một công cụ quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua 8 năm triển khai, từ năm 2015 đến năm 2022. Bộ chỉ số DDCI đã cung cấp những thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương”.

Đồng thời, khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ninh đưa ra những chương trình hành động, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp; giúp thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các sở, ban, ngành và giữa các địa phương trong việc cải thiện năng lực điều hành, qua đó góp phần tiếp tục giữ vị trí quán quân về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh những năm qua.

Năm 2022, Bộ chỉ số DDCI được khảo sát, đánh giá, bổ sung 3 nội dung quan trọng là: Cập nhật, điều chỉnh bộ chỉ số để tương thích với những điểm mới trong bộ chỉ số PCI cấp tỉnh; Bổ sung khảo sát những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; Bổ sung khảo sát về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của khối sở, ngành và khối địa phương. Đến nay, Bộ chỉ số DDCI đánh giá 8 chỉ số thành phần, với 58 chỉ tiêu (tăng 1 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối sở, ban, ngành; đánh giá 9 chỉ số, 76 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2021) đối với khối địa phương. Phương pháp khảo sát được triển khai gần như hoàn toàn trực tuyến, thay thế cho phương pháp khảo sát qua đường bưu điện như những năm trước đây.

Kết quả DDCI Quảng Ninh dựa trên sự tổng hợp ý kiến của 1.707 doanh nghiệp tham gia, trong đó 610 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương (chiếm tỷ lệ tỷ 35,7% số doanh nghiệp), 1.097 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành, chiếm tỷ lệ 64,3% số doanh nghiệp. Tỷ lệ hồi đáp của các doanh nghiệp đạt 28,5% trên tổng số 6.000 doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, thể hiện sự tin tưởng vào Hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá DDCI của tỉnh Quảng Ninh.

Về xếp hạng chung chỉ số DDCI cấp huyện: TP. Móng Cái là địa phương dẫn đầu với 70,35 điểm. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là thành phố Hạ Long và huyện Bình Liêu với mức điểm lần lượt là 70,08 và 69,90 điểm; huyện Hải Hà đứng thứ 4 với 68,45 điểm và thành phố Cẩm Phả xếp thứ 5 với 67,13 điểm. Những đơn vị khối Địa phương có thứ hạng giảm mạnh là TX Đông Triều từ vị trí thứ 2 xuống vị trí cuối cùng; Thị xã Quảng Yên rớt từ hạng nhất xuống vị trí thứ 11.

Thành phố Móng Cái xuất sắc vươn lên dẫn đầu DDCI khối các địa phương, Ảnh: Thanh Sơn
Thành phố Móng Cái xuất sắc vươn lên dẫn đầu DDCI khối các địa phương, Ảnh: Thanh Sơn

Về kết quả xếp hạng chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành: Dẫn đầu bảng xếp hạng là Cục Hải quan, với 85,05 điểm, xếp thứ 2 là BQL Khu kinh tế với 81,26 điểm, so với bảng xếp hạng DDCI 2021, thứ hạng của 2 đơn vị dẫn đầu không có sự thay đổi; 3 vị trí tiếp theo là Sở Tư pháp (72,09 điểm), Sở NN&PTNT (67,88 điểm) và Sở Công thương (67,09 điểm).

Các sở, ban ngành có tốc độ cải thiện tốt nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ vị trí thứ 17 năm 2021 lên vị trí thứ 4 năm nay; Sở Công thương lần đầu tiên vào tốp 5 sau nhiều năm ở vị trí thứ 6 hoặc thứ 7 trong bảng xếp hạng.

Những sở, ban ngành có thứ hạng giảm mạnh là Sở Y tế, từ vị trí thứ 9 năm trước, xuống vị trí cuối bảng năm nay; Sở Du lịch giảm 7 bậc từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 11; Sở Giáo dục và Đào tạo cũng bị sụt giảm mạnh thứ hạng, từ vị trí thứ 11 năm trước xuống vị trí thứ 16.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao biểu trưng và chứng nhận đơn vị dẫn đầu DDCI khối sở, ngành cho Cục Hải quan tỉnh. Ảnh: Thanh Sơn
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao biểu trưng và chứng nhận đơn vị dẫn đầu DDCI khối sở, ngành cho Cục Hải quan tỉnh. Ảnh: Thanh Sơn

Kết quả khảo sát phản ánh khó khăn trên tổng thể cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp phản ánh rất khó khăn về tuyển dụng lao động (23%), về tiếp cận vay vốn (19%), tìm kiếm đối tác kinh doanh và mở rộng thị trường (19%), xây dựng và phát triển thương hiệu (16%), phát triển hệ thống kênh phân phối truyền thống (15%)…

Những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh mong muốn và có nhu cầu cần được chính quyền hỗ trợ là: tìm kiếm đối tác kinh doanh (45%), xây dựng và phát triển thương hiệu (32%), tiếp cận vốn vay (29%), đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu (26%), quản lý chất lượng (25%), phát triển kênh phân phối và ứng dụng thương mại điện tử (24%).

Những khó khăn và nhu cầu được hỗ trợ của doanh nghiệp được tập trung chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi và ở hầu hết nhóm các doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động).

Trao kỷ niệm chương, tặng bằng khen các tập thể, cá nhân xuất sắc trong DDCI Quảng Ninh 2022. Ảnh: Thanh Sơn
Trao kỷ niệm chương, tặng bằng khen các tập thể, cá nhân xuất sắc trong DDCI Quảng Ninh 2022. Ảnh: Thanh Sơn

“Các phân tích và đánh giá từ báo cáo DDCI Quảng Ninh 2022 đã cho thấy một bức tranh tổng quát về năng lực điều hành của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương qua con mắt của cộng đồng doanh nghiệp, cho phép chúng ta xác định những nhiệm vụ tiếp theo cần phải thực hiện để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn có những dư địa mà DDCI Quảng Ninh có thể cân nhắc bổ sung trong các năm tiếp theo để đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, Quảng Ninh cần tiếp tục triển khai hoạt động này trong năm 2023 với định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hoàn thiện bảng câu hỏi phù hợp với các mục tiêu mới”, ông Khắng nhấn mạnh.