Tuyến đường Quốc lộ 1A qua tỉnh Phú Yên nhiều đoạn phải tiến hành sửa chữa hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Tuyến đường Quốc lộ 1A qua tỉnh Phú Yên nhiều đoạn phải tiến hành sửa chữa hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về tình hình thiên tai, thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khắc phục hậu quả do áp thấp nhiệt đới, Bão số 5, lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên đề cập, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Bão số 5 gây mưa lớn, lũ, ngập lụt từ ngày 10/10 đến 14/10/2022 làm thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, các công trình giao thông thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Trong đó, thiệt hại về công trình thủy lợi như công trình kè, kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, trôi, hư hỏng với khối lượng 12.618 m3 đất, đá, bê tông các loại; diện tích bị mất, bong xô là 50 m2. Bờ biển, bờ sông, suối bị sạt lở với chiều dài 1.180 m; diện tích bị mất, cuốn trôi: 6.740 m2.

Thiệt hại về giao thông như các tuyến quốc lộ 25, 29, 19C, 1D trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng 5.303 m3 đất, đá, bê tông, nhựa đường. Các tuyến giao thông huyện, xã bị sạt lở, cuốn trôi với khối lượng 14.362 m3 đất, đá, bê tông các loại; rãnh dọc, mái taluy, nền đường bị hư hỏng.

Tổng giá trị thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Bão số 5 từ ngày 10/10 đến 14/10/2022 gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 22,6 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về thủy sản là 7,955 tỷ đồng, giao thông là 7,029 tỷ đồng, thủy lợi là 5,31 tỷ đồng .

Đáng lưu ý, UBND tỉnh Phú Yên cho biết, về thiệt hại đặc biệt có những điểm sạt lở nghiêm trọng uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng, với nguồn lực từ ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế nên chưa khắc phục được hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra.

Do vậy, tỉnh Phú Yên kiến nghị, để sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm xem xét hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đầu tư các công trình thủy lợi, đê kè sông, biển để bảo vệ khu dân cư, với kinh phí là 145 tỷ đồng.

6 công trình hạ tầng thiết yếu đề xuất hỗ trợ này bao gồm kè biển thôn Giai Sơn (xã An Mỹ, huyện Tuy An) kinh phí 15 tỷ đồng; kè biển thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An) 50 tỷ đồng; kè biển thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) 55 tỷ đồng; kè chống sạt lở Khu tái định cư thôn Hảo Sơn Nam (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa) 5 tỷ đồng.

TP. Tuy Hòa có 2 công trình với kinh phí mỗi công trình 10 tỷ đồng gồm kè bờ hữu sông Ba đoạn từ cầu Hùng Vương đến cầu Đà Rằng; khắc phục sạt lở Kè bờ hữu sông Ba đoạn từ cầu Hùng Vương đến cửa Đà Diễn.