Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không siết tín dụng bất động sản!

Tại Tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên phối hợp với Viện Kinh tế Xanh tổ chức 7-6, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng tín dụng bị siết, trong khi ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết tín dụng BĐS.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không siết tín dụng bất động sản! - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Hoàng, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Bất động sản Vạn Xuân phản ánh doanh nghiệp này đã bị ách tắc một khoản vay dang dở 2.000 tỉ đồng cho dự án đang triển khai, do phía ngân hàng thông báo hết room. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định là không có siết tín dụng. 

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho rằng hiện tại danh mục cho vay dự án BĐS của Vietinbank rất thấp và nợ xấu cũng chỉ 0,3% là khá tích cực. Đặc biệt, Vietinbank không hề nhận được thông tin, văn bản nào liên quan đến việc không cho vay BĐS cả. Lâu nay, Vietinbank vẫn ưu tiên cho vay các dự án tốt, các chủ đầu tư có kinh nghiệm triển khai dự án, có thực tiễn thành công, nhất là lĩnh vực BĐS công nghiệp, dự án nghỉ dưỡng, thu hút du lịch lớn vẫn ưu tiên cho vay.

Còn đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định BĐS đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, BĐS khu công nghiệp, BĐS nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng đang rất tiềm năng nên BIDV vẫn cho vay bình thường. Đặc biệt, tới đây BIDV cũng tham gia các dự án KCN lớn ở phía Nam và các lĩnh vực BĐS tiêu dùng thuộc nhà ở riêng lẻ.

Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 6,51% nhưng cho vay tiêu dùng, người mua nhà vẫn chiếm gần 13,9%, nên không có chuyện hạn chế cho vay hay siết tín dụng BĐS.

Tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cho rằng có nhiều nguyên nhân làm giá BĐS trong thời gian qua tăng mạnh, trong đó một phần là do đại dịch, dòng tiền không có nơi để “chảy vào”, cộng với nguồn cung bị thiếu nên BĐS là tâm điểm.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định rất chia sẻ với các DN BĐS nhưng ngay từ “siết” tín dụng đã làm ảnh hưởng tâm lý người mua, trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ ra văn bản nào nói việc sẽ siết tín dụng, chặn tín dụng… Vì chặn là chặn đường phát triển của thị trường BĐS, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Theo ông Tú, từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2011, gây hệ lụy lớn cho kinh tế toàn cầu nên chúng ta đã rút ra bài học lớn cho quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước, ngân hàng chỉ là một phần trong nhiều giải pháp chấn chỉnh để ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, việc cho vay đúng, đảm bảo an toàn hệ thống là điều rất cần thiết chứ không phải siết.


Sơn Nhung