.
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Nói là hậu kiểm, nhưng tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng gặp phải mênh mông bể sở, rào cản, van, chốt, khóa… thì liệu có làm được không, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn khi cho ý kiến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 22/3.

Báo cáo một số vấn đề lớn chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh, ông Vinh phản ánh. 

Theo Thường trực cơ quan thẩm tra thì phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tiễn. Trên thực tế, rất khó xác định phim có yếu tố quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng. Do vậy, Thường trực Ủy ban quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến.

Cho biết là còn băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, với bộ phim có những nội dung nói về chính trị phức tạp, nhạy cảm, chẳng hạn đưa đường lưỡi bò lên trên đấy, sau đấy hậu kiểm mới phát hiện xử lý thì khắc phục hậu quả rất phức tạp, nên chỗ này phải hết sức cân nhắc.

Đồng ý là hậu kiểm, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định quá nhiều nghĩa vụ, mênh mông bể sở như dự thảo luật thì khó có thể làm nổi.

Không biết các doanh nghiệp đã có ý kiến vấn đề này chưa? Các nhà làm phim trong, ngoài nước người ta nói vấn đề này chưa? Nên chăng khẳng định chuyện phổ biến phim trong không gian mạng là anh nào sản xuất, phát hành phim thì anh tự chịu trách nhiệm và cơ chế là cơ chế hậu kiểm. Còn khi anh thấy có những vấn đề đang lăn tăn thì sẽ thực hiện tiền kiểm, nếu không thì “nhiều bộ phim sản xuất tốn bao nhiêu công phu, vừa mới lên mà ông lại thổi còi ngay thì người ta bỏ hàng đống tiền người ta chết à”, ông Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, còn cần cơ chế để phát hiện, ngăn chặn hậu quả và xử lý các vi phạm, nếu có, và cần phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. “Quy định lằng nhằng như thế này, có một chỗ mở thì đóng đến mười mấy khóa thế này, mà các đồng chí khóa kiểu này cũng không khóa được”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Lấy ví dụ điều 21 có tới 9 khoản về các yêu cầu mà tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng phải tuân thủ như phải thông báo với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, gỡ bỏ phim trong 24 giờ khi cơ quan nhà nước yêu cầu hay dừng cung cấp dịch vụ khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…, ông Huệ nhận xét là không nhất quán, không thể làm được.

Phải thông báo đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì thông báo thế nào, một cú phone gọi chuyên viên có được không? Có phải chờ Bộ trả lời không?chờ thì thời hạn là bao lâu?, Chủ tịch Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề và cho rằng, phải có cơ chế tự động để khi phát hiện ra sai phạm là dừng ngay lập tức, chứ quy định trong 24 giờ thì đã lan truyền hết trên toàn xã hội, “lúc đấy thì gỡ cái gì”.

Ngoài vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội còn cho rằng, nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế về phân loại phim. Dự thảo Luật phân theo độ tuổi thành 6 loại: P, T18, T16, T13, K, C với loại P là phổ biến mọi độ tuổi, K là dưới 13 tuổi nhưng phải xem cùng cha mẹ còn C là phim bị cấm; các loại T18, T16 và T13 là trên các lứa tuổi tương ứng.

“Tại sao trong môi trường mạng hội nhập như thế này mình không học người ta cho xong. Trên mạng chỉ có 18+ hay 16+, 13+, việc gì phải T, P, K khi hiển thị lên thế giới cũng không biết là loại gì”, ông Huệ góp ý và cho rằng tuy là tiểu tiết nhưng quy định này lại quan trọng trong bối cảnh hội nhập.

Trên cơ sở ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục chủ trì, chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, các Ủy ban Quốc hội, các cơ quan có liên quan để tiếp thu đầy đủ, thấu đáo các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào ngày 29/3 tới. Sau đó, gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, hoàn thiện gửi hồ sơ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.