Phát triển ngành nước mắm ở Việt Nam giống ngành rượu vang thế giới!

Ngày 24-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm: Định hướng và Giải pháp”.

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tại hội thảo cho thấy cả nước có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít…

Ngành hàng nước mắm Việt Nam những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm an toàn vệ sinh trong sản xuất, đáp ứng khẩu vị cũng như tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nước mắm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu với thị phần còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Phát triển ngành nước mắm ở Việt Nam giống ngành rượu vang thế giới! - Ảnh 1.

Hội thảo bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm diễn ra tại Hà Nội sáng 24-6

TS Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiêm Giám đốc Văn phòng Kiểm dịch động thực vật SPS Việt Nam, cho biết xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt khoảng 12,6% so với tổng sản lượng sản xuất. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD. 

Theo TS Hòa, để phát triển bền vững ngành hàng nước mắm phục vụ xuất khẩu, cần bảo đảm nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng, tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm. Đồng thời, nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường; từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho Nước mắm Việt Nam.

Theo GS-TS Lưu Duẩn, Trưởng Ban Tư vấn Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao. 

Các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000, … nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Úc, châu Âu. Bên cạnh đó, cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn.

TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, bày tỏ mong muốn phát triển ngành hàng nước mắm giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Ở đó, có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa khoa học và truyền thống để cho ra sản phẩm nước mắm ngon có chất lượng đồng nhất và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Theo đó, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trong “Đề án xây dựng và phát triển các món ăn thuần Việt thành thương hiệu quốc gia” nhằm giúp nước mắm, các sản phẩm chế biến từ nước mắm, các thương hiệu nước mắm có vị trí xứng đáng.

Hai Hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các Lễ hội nước mắm để giới thiệu “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tất cả các hoạt động trên cần được quảng bá rộng rãi thông qua việc công bố công trình khoa học về nước mắm Việt Nam hoặc tham gia các Hội Nghị – Hội Chợ Thực phẩm lớn trên thế giới.


T. Nhân