Việt Nam hiện có hàng trăm khu công nghiệp, thu hút trên 16 triệu công nhân, hàng năm tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách. Thế nhưng, chỗ ở của công nhân chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến làn sóng người lao động về quê trốn Covid-19 vừa qua, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất – kinh doanh và an sinh xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo phát triển kinh tế và chất lượng sống cho người lao động đang là vấn đề bức thiết được Đảng, Nhà nước đặt ra.
Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường của Công ty Điền Phúc Thành vừa khởi công vào cuối tháng 4/2022
Dự án nhà ở xã hội phường Long Trường của Công ty Điền Phúc Thành vừa khởi công vào cuối tháng 4/2022.

Bài 3: Chưa “an giấc”, sao mơ “an cư”

Nhà ở công nhân gồm 3 loại hình: nhà ở xã hội, khu lưu trú và phòng trọ. Nếu như phòng trọ hay khu lưu trú chỉ là chốn dung thân tạm bợ, thì nhà ở xã hội giá rẻ được xem là chốn an cư với công nhân. Thế nhưng, với người lao động, việc làm chủ căn nhà xã hội là giấc mơ quá xa vời.

Rẻ thì có rẻ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, đến năm 2022, cả nước mới hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô 371.500 căn.

Trong số trên, theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, cả nước có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp được khởi công xây dựng, với 23.965 căn. Trong đó, tỉnh Bình Dương xây dựng 20.000 căn, Kiên Giang 765 căn, Quảng Ninh 1.000 căn, Bắc Ninh 2.200 căn.

Riêng tại TP.HCM, chỉ trong tháng 4/2022 đã có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân được khởi công, như dự án nhà ở xã hội nằm trong Khu nhà ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức với gần 600 căn (3 block); dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà ở Nguyên Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với 242 căn (1 block). TP.HCM đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 xây dựng được 35.000 căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2026-2039 xây thêm 58.000 căn.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nên giá bán không phải là giá thương mại, được kiểm soát chặt ở đầu ra, được các cơ quan nhà nước thẩm định.

“Trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội là 16 triệu đồng/m2, nhưng hiện tăng lên 20 triệu đồng/m2 (giá một căn là 1 – 1,6 tỷ đồng). Đây là giá bán đã được thẩm định bởi cơ quan quản lý, là giá trị thật của nhà ở, không phải giá thương mại”, ông Khiết nói thêm.

…nhưng xa tầm với của công nhân

Tiếng là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng liệu công nhân có thể mua?

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho biết, trong kinh doanh, mục tiêu trước tiên phải là lợi nhuận để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông. Khi làm dự án, đa phần doanh nghiệp bất động sản sử dụng vốn vay là chính, nếu dự án ách tắc thì lợi nhuận bị bào mòn, thậm chí là âm và có những chi phí không tên không thể hạch toán được. Vì thế, mới có chuyện nhiều nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã dùng tiền để… “lơ” đi trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội.

Cả hai vợ chồng anh Chau Phek (36 tuổi) và chị Sray Hòa (35 tuổi) làm công nhân tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai và đang ở trong một phòng trọ nhỏ với mức thuê 800.000 đồng/tháng.

“Công ty hỗ trợ hai vợ chồng 200.000 đồng/tháng tiền trọ. Phòng trọ nhỏ, bí, nhưng cũng mất tổng cộng từ 1,1 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng, cả tiền điện, nước. Lương tháng công nhân chỉ 5- 7 triệu đồng, trừ tiền trọ, thì còn lo cho con cái, gia đình, nên chỉ còn tích giữ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, vậy bao giờ mới mua nổi nhà xã hội?”, chị Sray Hòa thở dài.

Còn nữ công nhân Neàng Sóc Nương (công nhân tại Công ty Chang Shin, Đồng Nai) thì ngậm ngùi: “Một tháng cả ba người thu nhập được tầm 13 triệu đồng, ăn uống, chi tiêu phải dè xẻn, để còn lo cho ông bà già yếu ở quê nữa, nên không có dư, thì làm sao mơ nổi nhà xã hội”.

Theo tính toán, mỗi tháng, công nhân chỉ có thể để dành khoảng 20% thu nhập, tương ứng 1,5 – 1,8 triệu đồng. Như vậy, nếu một căn nhà ở xã hội giá 1 – 1,6 tỷ đồng, thì thời gian trả góp sẽ kéo dài có khi cả đời mới đủ, trong khi quy định cho trả góp một căn hộ chỉ 15 năm. Như vậy, giấc mơ an cư của họ quá mịt mù.

Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc chờ gỡ vướng
Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc chờ gỡ vướng.

Doanh nghiệp “cay đắng” với nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội giá rẻ tuy là giấc mơ xa vời của người lao động, nhưng cũng là tia sáng cuối đường hầm để họ tiến gần hơn tới giấc mơ an cư.

Thế nên, việc các địa phương lên kế hoạch phát triển, các doanh nghiệp đổ tiền làm nhà ở xã hội là vô cùng quý giá. Nghiệt thay, nhiều doanh nghiệp lại phát hoảng sau khi thực hiện.

Là doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội bằng “tiền túi” trên quỹ đất do mình nhận chuyển nhượng, nhưng thật oái oăm, sau khi đưa ra thị trường khoảng 7.000 căn nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Lê Thành đang phải chịu nhiều cay đắng vì thủ tục pháp lý dự án.

Ông Nghĩa cho biết, Công ty hiện có 3 dự án nhà ở xã hội chờ gỡ vướng. Điển hình là Dự án nhà ở xã hội Tân Kiên, quy mô 2.000 căn hộ, tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, khu đất dự án được ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ từ tháng 3/2019, nhưng tới nay vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Hiện nay, theo Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây Thành phố, thì vị trí khu đất của Dự án thuộc quy hoạch đất thương mại dịch vụ. Công ty Lê Thành đang liên hệ Sở Quy hoạch và Kiến trúc để hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch cục bộ đồ án quy hoạch trên. Nhưng vẫn không có cơ quan nào trình UBND Thành phố, vì Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời, theo Luật Đầu tư mới, chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình UBND Thành phố chấp thuận đầu tư.

“Do các vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, Dự án vẫn không có cơ quan nào trình UBND Thành phố, nên Dự án nằm yên tại chỗ, không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng”, ông Nghĩa nói.

Một doanh nghiệp khác cũng “cay đắng” không kém khi xây dựng nhà ở xã hội là Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền khi xin chủ trương triển khai dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (phường Phước Bình, TP. Thủ Đức). Dự án có diện tích 4.557 m2, dự kiến xây dựng chung cư 26 tầng và 1 tầng hầm, với 291 căn hộ.

Phần đất thực hiện dự án được doanh nghiệp quản lý, sử dụng từ năm 1993, nguồn vốn thực hiện Dự án do Công ty tự bỏ “tiền túi”, nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa được giao đất để thực hiện Dự án, dù doanh nghiệp đã hoàn tất tất cả các thủ tục theo yêu cầu của các cấp, cơ quan có thẩm quyền.

Làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là cống hiến cho Nhà nước, nhưng sự chậm chạp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cũng như những chồng chéo trong quy định của pháp luật đã khiến không ít doanh nghiệp nản lòng.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, các doanh nghiệp hiện nay không mấy mặn mà khi xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là do 3 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất và được xem là bước cản lớn là thủ tục pháp lý quá chậm. Hiện nay, làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội không có một quy trình riêng, quy chuẩn riêng. Doanh nghiệp còn bị làm khó đủ đường, kiểm tra kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn so với nhà ở thương mại.

Vướng mắc thứ hai là lợi nhuận thu về từ việc xây dựng nhà ở xã hội quá thấp. “Hiện lợi nhuận nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là 10%, nhà ở xã hội cho thuê là 15%. Tuy nhiên, để làm một dự án nhà ở xã hội thường mất tối thiểu 5 năm, nên lợi nhuận mỗi năm chưa đến 2%”, ông Nghĩa phân tích.

Vướng mắc thứ ba là hậu kiểm, kiểm tra, thậm chí duyệt giá nhà ở xã hội rất khó khăn. “Tiền của doanh nghiệp, đất của doanh nghiệp, nhưng cơ quan kiểm toán làm khó, nên làm xong một dự án thì không doanh nghiệp nào dám làm dự án thứ hai”, ông Nghĩa nói.

(Còn tiếp)