Có đến 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021 có thất thoát, lãng phí. 1.086 dự án đầu tư công đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795,2 tỷ đồng, 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật…

Đó chỉ là một vài con số được Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -202l” báo cáo Quốc hội đầu tuần này.

Chắc chắn, kết quả giám sát được thể hiện qua 1.685 trang tài liệu còn có nhiều con số “ấn tượng” khác.

Cũng cần phải nói ngay rằng, không phải đến cuộc giám sát này, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới được đặt lên bàn nghị sự, mà đây là nội dung được báo cáo Quốc hội hằng năm. Tuy nhiên, ngay cả báo cáo từ các cơ quan, địa phương có trách nhiệm phải báo cáo cũng chưa năm nào đầy đủ, chứ chưa nói độ trung thực của những con số. 

Dù thế, các vị đại diện của dân cũng từng rất sốt ruột với các dự án ngàn tỷ trùm mền và cả những lãng phí cơ hội không đong đếm được bằng tiền. Quyết định chọn giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cả giai đoạn 5 năm (2016 – 2021) cũng không ngoài mục đích chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc để ngăn chặn tệ lãng phí, ở góc độ nào đó có lúc còn tệ hại hơn cả tham nhũng.

Kết quả giám sát ghi nhận những kết quả “rất quan trọng, tích cực”, song cũng cho thấy nhiều hạn chế, nhất là “trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển”.

Ở góc độ khái quát, chỉ vài con số nói trên đã đủ để chứng minh. Còn đi sâu vào từng lĩnh vực thì thật dễ chỉ ra những ví dụ điển hình cho thất thoát, lãng phí.

Chẳng hạn, trong thực hiện các dự án lớn, chỉ riêng ở TP.HCM, Dự án Bến Thành – Suối Tiên, được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án), đội vốn từ 17.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng. Mức đội vốn này được Đoàn giám sát nhấn mạnh là “quá lớn”.

Dự án tàu điện ngầm Bến Thành – Tham Lương được phê duyệt tháng 10/2010, song thời gian hoàn thành dự kiến phải đến năm 2030. Đây cũng tiếp tục là dự án đội vốn rất lớn, tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng vào năm 2010, đến năm 2018 là 47.891,28 tỷ đồng.

Đó mới chỉ là hai trong rất nhiều dự án được được Đoàn giám sát liệt vào danh sách “là những điển hình của việc thất thoát, lãng phí, xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý”.

Như vậy, “tiêu hoang” không chỉ ở chỗ chỉ 1 dự án đã đội vốn lên vài chục ngàn tỷ đồng – số tiền mà có tỉnh phải thu ngân sách cả chục năm mới có nổi – mà còn ở chỗ, công trình, dự án cứ phơi nắng, phơi mưa năm này qua năm khác như thách thức sự sốt ruột của những người chắt chiu từng đồng đóng thuế xây dựng đất nước.

Bên cạnh lãng phí tiền bạc, thảo luận tại hội trường, các vị đại biểu còn chỉ ra những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, vì nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển, mà còn làm nghèo đất nước, làm suy yếu bộ máy công quyền, lãng phí niềm tin, lãng phí trách nhiệm.

Sự lãng phí trách nhiệm có nguồn gốc từ những bất cập của quy định pháp luật đã được chính đại biểu nêu ở nghị trường; có đến hơn 1 thành viên Chính phủ thừa nhận đó là vướng mắc lớn, cần phải sửa, nhưng từ kỳ họp trước đến kỳ họp này vẫn chưa xong.

Nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các hạn chế đều được Đoàn giám sát chỉ ra, song ở hạn chế nào thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm cũng có. Không coi trọng kỷ luật, kỷ cương cũng có. Trách nhiệm thì từ địa phương đến Trung ương, từ cơ quan hành pháp đến cơ quan lập pháp đều có.

Vấn đề đặt ra là, sau cuộc giám sát trên diện rộng này, phải làm gì để sớm tháo gỡ “nút thắt, điểm nghẽn”, xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực để đưa vào phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới?

Đoàn giám sát dành tới 13/95 trang của báo cáo chính để nêu các đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ năm 2023, phát động cuộc vận động và tổ chức phong trào thi đua trong toàn quốc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân là một trong số đó.

Mỗi năm, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ tập trung một chủ đề với các nội dung trọng tâm, trọng điểm cụ thể để Quốc hội thảo luận và quyết định, cũng là một kiến nghị mới. Nhưng để nhà nghèo bớt tiêu hoang, thì cần nhiều hơn thế. Ít nhất cũng cần làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong các dự án lãng phí đã được điểm danh và công khai kết quả xử lý để cử tri cùng giám sát.

Hay, rốt ráo hơn, như đại biểu Quốc hội phân tích, khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến, thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp gây tiêu cực, yếu kém, trì trệ, mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy.

Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra nó, mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy đó.