.
Cử tri cho rằng cần có cơ chế mới về mua sắm trong lĩnh vực y tế – (Ảnh: Đ.T).

Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự kiến, tại phiên họp thứ 23 (từ 9/5- 13/5) Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo của Chính phủ thông tin 273 kiến nghị được Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển đến, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng giao cho 22 bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.

Báo cáo khái quát, qua theo dõi phản ánh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tập trung vào một số nhóm vấn đề, trong đó có y tế.

Về lĩnh vực y tế, cử tri cho rằng để nhân viên ngành y tế dồn tâm lực trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế những sai sót trong mua sắm, không phù hợp với ngành nghề chính được đào tạo, đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế mới.

Cụ thể là giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, không chỉ cho ngành y tế mà còn cho tất cả các ngành tham gia chống dịch.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, thang bảng lương riêng đối với đội ngũ cán bộ y tế, phù hợp với quá trình đào tạo nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức y tế, tránh thất thoát nguồn lực và thu hút nhân tài cho ngành.

Trả lời cử tri, Chính phủ cho biết mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện.

Tuy nhiên, việc này cũng có hạn chế như cần thời gian để xây dựng năng lực đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc cần nhiều thời gian, nếu không khẩn trương sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Theo hồi âm của Chính phủ, hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, tại một số địa phương cũng có đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, vật tư, trang thiết bị y tế, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, nhưng cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, điều chỉnh cho phù hợp.

Qua đó, các đơn vị thúc đẩy việc thành lập đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp Trung ương và địa phương.

Chính phủ cũng cho biết sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.