Sáng 04/8, Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương khẳng định: “Hải Dương đã xác định rõ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thiết trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh”.

Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn

Trong 17 năm qua, Hải Dương đã nghiêm túc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết các đại hội X, XI, XII của Đảng và các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng, lồng ghép và cụ thể hóa nội dung Nghị quyết vào phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Sau đó, tiếp tục được đưa vào Nghị quyết và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI và XVII; Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và quy hoạch chuyên ngành; Xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm để triển khai thực hiện; đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng.

Báo cáo tại hội nghị chỉ rõ, kinh tế của Hải Dương liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2021 đạt 8,6%/năm và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với các tỉnh khác trong vùng. Thu ngân sách đạt khá, là một trong số các tỉnh, thành phố trong vùng đảm bảo được tự cân đối ngân sách. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong cả thời kỳ 2005-2021 là 459.321 tỷ đồng, tăng bình quân 15,7%/năm; đạt 49.319 tỷ đồng vào năm 2021, tăng gấp 11,9 lần so với thời điểm năm 2005; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, tỷ trọng ngành nông nhiệp – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ là 9,4%-56,2%-34,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,2 triệu đồng; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 15,7%/năm…

Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng gấp 11,2 lần so với năm 2005, đứng vị trí thứ 11 trong cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng Sông Hồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương có sự thay đổi lớn, đứng ở vị trí thứ 13 trong cả nước; nhiều chỉ số thành phần đã được cải thiện mạnh mẽ; Chỉ số cải cách hành chính (Par index) đứng thứ 19, là tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 4 cả nước.

Công tác lập, thực hiện và quản lý quy hoạch được thực hiện theo quy định; đã xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất; 8 quy hoạch xây dựng vùng huyện, 04 quy hoạch chung đô thị; hoàn thành quy hoạch các xã, quy hoạch nông thôn mới và nhiều quy hoạch phân khu, chi tiết. Lồng ghép, tích hợp các quy hoạch vào dự thảo quy hoạch tỉnh. Ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Trong đó, tỉnh đang tập trung để thực hiện 05 chương trình, 02 Nghị quyết chuyên đề và 10 đề án.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển nhanh; giá trị sản xuất tăng bình quân 18,1%/năm; xuất khẩu tăng 28,7%/năm, kim ngạch nhập khẩu gấp 28,9 lần năm 2005; Từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông.

Hoạt động hợp tác với các tỉnh trong vùng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, liên kết ngày chặt chẽ hơn. Với vai trò, vị trí ở trung tâm của vùng, tỉnh đã có những đóng góp nhất định, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các địa phương khác trong vùng. Hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang để đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới; Tham gia ký kết các chương trình và triển khai kế hoạch hợp tác phát triển các 05 tuyến du lịch, liên kết vùng phát triển du lịch giữa Hải Dương – Hải Phòng và Quảng Ninh.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Sơn

Trong lĩnh vực đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách theo ngành, lĩnh vực được phân bổ phù hợp với khả năng huy động và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Nhìn chung hoạt động đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là khá hiệu quả, tập trung chủ yếu vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; có vai trò dẫn dắt thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, đồng thời thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác ngoài ngân sách. Tỉnh luôn chú trọng thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Toàn tỉnh có 490 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số vốn đăng ký trên 9,2 tỷ USD.

Hải Dương đã quy hoạch phát triển 21 KCN, đến nay có 10 KCN với diện tích 1.470ha đã đầu tư xây dựng và đang vận hành, khai thác kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 84%; phát triển 58 cụm công nghiệp với diện tích 2.942,6ha, trong đó có 32 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%.

Để đưa Hải Dương phát triển trong giai đoạn tiếp theo, ông Phạm Xuân Thăng đã chỉ ra 4 yếu tố quan trọng là Kết nối – Đầu tư – Nhân lực – Tốc độ, đồng thời mong muốn hội nghị là dịp để Hải Dương được lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá và góp ý của các đại biểu để không chỉ giúp Hải Dương hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW mà còn giúp Tỉnh có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hải Dương đã thảo luận xây dựng 5 nhóm giải pháp gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, đề án; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững; phát triển các khu vực, thành phần kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các đô thị xanh, thông minh, hiện đại; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và liên kết phát triển vùng.

Phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế xã hội khá đồng bộ. Đến năm 2030, phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong “top 10” của cả nước; đứng thứ tư và là một trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; đạt một số tiêu chí cơ bản để Hải Dương trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Tầm nhìn đến 2045, phát triển tỉnh Hải Dương với mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương là thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh hiện đại; là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời là một trung tâm công nghiệp, đô thị là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.