“Ngân hàng” giống lúa ở ĐBSCL

Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng thuộc Khoa Nông nghiệp – ĐH Cần Thơ đã thu thập, lưu trữ hàng ngàn giống lúa khắp mọi miền đất nước. Nhiều giống lúa quý hiếm đã được thu thập từ vài chục năm trước, nhằm bảo tồn nguồn gien, phục vụ việc chọn và lai tạo giống mới.

Bảo tồn hơn 3.000 mẫu giống lúa

TS Huỳnh Kỳ, Phó Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng Khoa Nông nghiệp – ĐH Cần Thơ, cho biết “ngân hàng” giống lúa được hình thành trước năm 1978, người khởi xướng là GS-TS Võ Tòng Xuân (hiện là Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ).

“Sau đó, nhiều thầy cô tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc ĐH Cần Thơ) tiếp tục công việc của GS-TS Võ Tòng Xuân, như PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, PGS-TS Huỳnh Quang Tín… Họ là những người rất tâm huyết trong việc bảo tồn giống lúa. Năm 2019, “ngân hàng” giống lúa được ĐH Cần Thơ giao về cho Khoa Nông nghiệp tiếp quản mà trực tiếp là Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng. Từ đây, “ngân hàng” giống lúa được đổi tên thành Phòng Bảo tồn nguồn gien thực vật” – TS Huỳnh Kỳ nhớ lại.

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ khoảng năm 1976-1977, ĐBSCL chỉ canh tác 1 vụ lúa mùa, năng suất thấp, thường xuyên bị rầy nâu tấn công. Đến năm 1978, lũ lụt làm lúa mùa chết hàng loạt. Sau đó, nhà nước có chủ trương bỏ lúa mùa chuyển sang trồng thâm canh, tăng lên 2-3 vụ/năm. GS-TS Võ Tòng Xuân, lúc này là Trưởng Bộ môn Lúa – Khoa Trồng trọt, thấy được nguy cơ nếu bỏ lúa mùa thì sau này sẽ mất các giống truyền thống, nên phải giữ lại bằng cách sưu tập để xây dựng “ngân hàng” giống lúa.

“Lúc tôi còn là sinh viên năm 4 thì GS-TS Võ Tòng Xuân dạy môn cây lúa. Để đậu môn học này, ngoài chuyện thi cử thì mỗi sinh viên phải sưu tập ít nhất 5 giống lúa mùa ở địa phương đem nộp. Khi ra trường, chúng tôi cũng tổ chức đi sưu tập ở các địa phương đưa vào “ngân hàng” giống lúa” – PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ kể.

Ngoài giống lúa, Phòng Bảo tồn nguồn gien thực vật còn thu thập, bảo tồn nhiều giống cây khác, chẳng hạn đậu nành. Đến nay, phòng này lưu trữ hơn 3.000 mẫu giống lúa khắp mọi miền đất nước, từ ĐBSCL, Tây Nguyên đến vùng Tây Bắc, duyên hải miền Trung… Trong đó, trên 1.988 mẫu giống là lúa mùa, 700 mẫu giống lúa rẫy, khoảng 200 mẫu giống nhập ngoại. Từ năm 2019, Khoa Nông nghiệp đã tạo ra 80-90 tổ hợp lai mới.

TS Huỳnh Kỳ cho biết Phòng Bảo tồn nguồn gien thực vật đang lưu trữ nhiều mẫu giống như: nàng thơm chợ Đào, huyết rồng, bông sen, nếp than, tài nguyên… được thu thập từ năm 1994-1997. “Ngân hàng” giống được thành lập với mục đích bảo tồn nguồn gien do một số giống đang mai một. “Những giống lúa mùa hiện không còn phù hợp do nông dân trồng 2-3 vụ/năm, chất lượng và năng suất không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Từ đó, những giống lúa mùa không được trồng nữa nhưng chúng là nguồn gien quý, nếu không bảo tồn sẽ mất đi” – TS Huỳnh Kỳ nhìn nhận.

Tuy không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nhưng nhiều giống lúa mùa, lúa rẫy có khả năng chống chịu hạn mặn, sâu bệnh tốt; nếu lưu giữ phục vụ nghiên cứu, lai tạo sẽ tạo ra các giống mang gien trội. Chẳng hạn, giống lúa mùa Đốc Phụng được thu thập tháng 11-1994 tại Bến Tre có khả năng chịu mặn khá tốt đã được lưu giữ tại “ngân hàng” để lai tạo. Còn giống huyết rồng – có màu đỏ nâu nên gọi là gạo màu – chứa nhiều vitamin, hàm lượng anthocyanin chống ôxy hóa tốt nên khi lai tạo sẽ lấy nguồn gien này…

Ngân hàng giống lúa ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Các giống lúa được “trẻ hóa”

Ngân hàng giống lúa ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Các mẫu giống lúa được lưu trữ tại kho ngắn hạn

Lưu trữ rất kỳ công

Để có được một “ngân hàng” giống lúa với hơn 3.000 mẫu như hiện nay, nhiều thầy cô, sinh viên của ĐH Cần Thơ đã đi khắp nơi thu thập và lựa chọn kỹ lưỡng.

Phòng Bảo tồn nguồn gien thực vật có 2 kho lưu trữ nguồn giống. Kho ngắn hạn có độ lạnh ở mức 20 độ C, thời gian lưu trữ 6-12 tháng. Kho trung hạn có nhiệt độ duy trì âm 5 độ C, thời gian lưu trữ trên 10 năm. Hai kho này được làm từ những container đặt cạnh nhau trong căn phòng khoảng 50 m2. Vì nhiệt độ phải duy trì nên ngoài nguồn điện chính, trường còn trang bị máy phát để cung cấp điện khi xảy ra sự cố.

“Các hạt giống lúa sau khi thu thập về được sấy, phơi khô rồi đóng gói, hút chân không với trọng lượng 50 g, độ ẩm phải dưới 10%. Tùy vào nhu cầu của từng giống mà chúng được lưu trữ ở kho ngắn hạn hay trung hạn” – TS Huỳnh Kỳ giải thích.

Do được lưu trữ lâu với nhiệt độ thấp, nhiều giống lúa khó sống sau một thời gian dài. Vì vậy, để bảo tồn những mẫu giống này, TS Huỳnh Kỳ cùng các thầy cô trong bộ môn thường kiểm tra sức sống của chúng. Các mẫu giống ở kho trung hạn được đem sang kho ngắn hạn trong một ngày. Sau đó, hạt được để ở nhiệt độ bình thường trong vài giờ rồi mới đem đi nghiên cứu.

Theo TS Huỳnh Kỳ, mỗi mẫu giống lúa được lấy 100 hạt ra nghiên cứu để xem sức nảy mầm. Nếu giống nào có trên 80 hạt nảy mầm (tỉ lệ sống trên 80%) thì tiếp tục được lưu trữ với nhiệt độ thấp. Giống nào có tỉ lệ nảy mầm ít hơn sẽ được đem đi “trẻ hóa” bằng cách trồng lại, sau đó thu hoạch và tiếp tục lưu trữ. Việc lưu trữ giống lúa rất kỳ công nên ngoài các thầy cô trong bộ môn, nhiều sinh viên cũng tham gia thực nghiệm, phụ giúp.

“Hiện nay, chúng tôi rất cần kinh phí để nghiên cứu và duy trì nguồn gien này, vì “ngân hàng” giống lúa không chỉ phục vụ ĐH Cần Thơ mà còn cho các tỉnh, thành ĐBSCL. Các địa phương có thể kết hợp với nhà trường và hỗ trợ kinh phí để chúng tôi chọn, lai tạo giống cho họ. Việc này cũng giúp có thêm nguồn kinh phí nhằm phục vụ việc nghiên cứu” – TS Huỳnh Kỳ mong muốn.

Ý nghĩa to lớn

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ nhận định “ngân hàng” giống lúa có ý nghĩa rất to lớn vì đây là nguồn tài nguyên di truyền có sẵn mà các nhà khoa học có thể sử dụng, cải tiến bằng cách lai tạo với giống khác. Các mẫu giống đang lưu trữ có tính thích nghi rất tốt với mặn, phèn, ngập úng, khô hạn và chống chịu được sâu bệnh. Ngoài ra, nhiều giống có ưu điểm nở nhiều hoặc dẻo, thơm…

“Hầu hết các giống cao sản lai tạo trước đây chúng ta nhập từ Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Trồng một thời gian, các giống này cho năng suất cũng được nhưng tính thích nghi và phẩm chất không tốt. Vì vậy, chúng tôi sử dụng nguồn gien sẵn có trong “ngân hàng” giống lúa để lai tạo nhằm cải thiện tính thích nghi, phẩm chất, năng suất. Đơn cử, giống MTL hay các giống OM sau này hầu hết lấy nguồn gien năng suất cao từ giống lúa nhập của IRRI lai với những giống lúa mùa địa phương mà chúng ta trữ sẵn để tăng cường tính chống chịu, cho phẩm chất như mong muốn” – PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ phân tích.


Bài và ảnh: Ca Linh