GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội


Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội. Ông có thể cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện nay ra sao? Ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022?

Tính đến hết tháng 4/2022, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân đạt khoảng 95.724 tỷ đồng, tức là mới đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57% kế hoạch; vốn vay nước ngoài đạt 3,25% kế hoạch.

Năm 2021, cả nước phải giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19, hầu hết hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ trong một thời gian dài, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bước sang năm 2022, bối cảnh kinh tế – xã hội đã thay đổi, dịch bệnh dần được kiểm soát, đến nay, nền kinh tế đã mở cửa hoàn toàn, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Hằng năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều phải ban hành nghị quyết và nhiều chỉ thị, văn bản điều hành yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, có năm còn thành lập các đoàn đến từng địa phương để kiểm tra thực tế. Dù vậy, cả giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ giải ngân trung bình chỉ đạt 83,4%, trong đó, năm 2020 đạt cao nhất, đạt 97,46%. Năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 93%.

Nếu giải ngân đầu tư công tiếp tục diễn biến như 4 tháng đầu năm, tôi cho rằng, năm 2022 sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch.

Năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, giải ngân đầu tư công đạt 97,46%; năm 2021, đại dịch khốc liệt hơn rất nhiều mà vẫn đạt 93%, thì năm nay, chúng ta có thể hy vọng hoàn thành kế hoạch, thưa ông?

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 93% so với kế hoạch, nhưng cần phải hiểu là, sau một thời gian không giải ngân được, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xin trả lại nguồn vốn, tức là kế hoạch bị giảm xuống, chứ không phải đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.

Thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn nhiều, nếu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư quyết tâm, thì vẫn có thể hy vọng kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao hơn năm 2021. Lý do là, ngoài nhiều yếu tố thuận lợi, tại kỳ họp bất thường đầu năm nay, Quốc hội đã thông qua một luật sửa đổi, bổ sung 9 luật liên quan đến đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư, đấu thầu…, theo đó đã xử lý được nhiều vướng mắc, bất cập trong hoạt động đầu tư. Đặc biệt, việc cho phép chỉ định thầu đối với một số dự án sẽ giảm tối đa thời gian, thủ tục, quy trình thực hiện các thủ tục đấu thầu.

Với những cơ chế, giải pháp đổi mới, đột phá, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm nay hy vọng sẽ cao hơn nhiều so với các năm trước, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân chưa chắc đã bằng những năm trước.

Theo ông, để khắc phục triệt để tình trạng không hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, cần có những giải pháp gì?

Nhìn vào bức tranh giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua, có thể nhận ra nhiều điều rất lạ. Cùng một cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục đầu tư, có những bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân rất nhanh, nhưng ngược lại, có rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều dự án lại ì ạch.

Đơn cử, đến cuối tháng 4/2022, có 7 bộ và 8 địa phương đã giải ngân được 25% kế hoạch vốn trong 4 tháng đầu năm, song vẫn còn 6/63 địa phương; 12/51 bộ, ngành chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao.

Có thể thấy, ở đâu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án quyết liệt, quyết tâm, thì ở đó, công trình được thi công rất nhanh, không bao giờ chậm tiến độ. Nhưng số này không nhiều, còn lại đều rất e ngại khi liên quan đến đầu tư công, đấu thầu, đấu giá… vì thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến những vấn đề này đã, đang và tiếp tục được điều tra, truy tố. Chủ đầu tư có thể rất giỏi nhiều chuyên môn, nhưng lại không nắm vững thủ tục về đầu tư, xây dựng mua sắm, đấu thầu… nên để “chắc ăn”, vấn đề gì cũng phải hỏi các bộ, ngành, cơ quan tham mưu, nên mất rất nhiều thời gian, khiến dự án bị chậm tiến độ.

Theo tôi, giải pháp tốt nhất là thay đổi tư duy đầu tư công. Thay vì đầu tư như hiện nay, nên chăng, Nhà nước cần công trình, dự nào thì huy động vốn, vay vốn ODA và tổ chức đặt hàng, đấu thầu để tư nhân thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra, kiểm toán chất lượng công trình, tiến độ triển khai. Như vậy, sẽ loại bỏ được các rào cản, vì doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể đảm đương các công trình nhiều chục ngàn tỷ đồng.