Nâng chất chương trình bình ổn thị trường TP HCM

Được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay, Chương trình bình ổn thị trường TP HCM (gọi tắt là chương trình) đã quy tụ nhiều doanh nghiệp (DN) chủ lực tham gia, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và trở thành thương hiệu của TP HCM từ nhiều năm qua.

Đổi mới cách làm

Qua 20 năm tổ chức, TP HCM ghi nhận chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Chương trình đã hoàn thành tốt mục tiêu thúc đẩy cung cầu hàng hóa cho thị trường, phát triển nhanh hệ thống phân phối, đưa hàng bình ổn đến với người tiêu dùng nhanh nhất. Ngoài ra, chương trình cũng góp phần điều tiết thị trường. Tác động của chương trình không chỉ dừng lại trên địa bàn TP HCM mà còn lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành cả nước, góp phần khai thác các tiềm năng và nâng tầm quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP HCM và các địa phương, nhất là các tỉnh, thành Đông – Tây Nam Bộ theo hướng thiết thực và hiệu quả.

Bối cảnh mới năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng lẫn hàng hóa thay đổi do những ảnh hưởng của 2 năm dịch COVID-19 cùng với những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước khiến việc thực hiện bình ổn trở nên thách thức hơn, buộc DN phải thay đổi cách làm. Đặc biệt, trong quý II/2022, giá nguyên liệu nhập khẩu, giá xăng dầu trong nước tăng vọt theo giá thế giới… đã đẩy chi phí sản xuất của các DN tăng cao. Áp lực giữ ổn định nguồn hàng, bình ổn giá cả trở nên khó khăn hơn đối với các DN, đòi hỏi phải có sự điều tiết, phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành, địa phương, DN sản xuất – chăn nuôi và DN sản xuất – chế biến, phân phối.

Với kinh nghiệm tham gia chương trình từ những năm đầu, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho hay hầu hết DN bình ổn đều là DN đầu ngành của lĩnh vực mình tham gia. Những lúc giá cả biến động đột xuất hoặc leo thang, DN bình ổn luôn chủ động san sẻ lợi ích cho người tiêu dùng để đạt lợi ích chung là bình ổn thị trường. “Thị trường bên ngoài cứ nhìn vào, xem giá bán trong chương trình có điều chỉnh hay không. Nếu DN bình ổn giữ giá được trong những lúc bất ổn và chia sẻ với người tiêu dùng thì chính là yếu tố quyết định cho thành công của chương trình” – ông Phú đúc kết.

Nâng chất chương trình bình ổn thị trường TP HCM - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường luôn chủ động san sẻ lợi nhuận để cung ứng hàng hóa với chất lượng, giá bình ổn cho người tiêu dùng Ảnh: Thanh Nhân

Năm 2022, TP HCM thực hiện chương trình với nhiều điểm mới. Trong đó, chia rõ nhóm đối tượng tham gia với hình thức gồm cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng để có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế đối với từng DN, nhóm mặt hàng…

Năm nay có 69 DN sản xuất – kinh doanh với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao. Trong đó, một số DN lớn như Cholimex (gia vị), TH True Milk (sữa), MM Mega Market, Cental Retail (phân phối)… lần đầu tham gia chương trình. Sở Công Thương TP HCM đã vận động thêm đa dạng nguồn lực xã hội tham gia chương trình, tăng sản lượng. Riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 39 DN tham gia, tăng 4 DN so năm 2021. Lượng hàng DN đăng ký tham gia bình ổn nhóm hàng này cũng tăng mạnh so với năm 2021.

Chương trình tiếp tục triển khai sâu rộng những nội dung trọng tâm bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các kịch bản bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối… nhằm chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thị trường chịu nhiều sức ép do giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển, xăng dầu… trong thời gian qua, thành phố đã có những giải pháp nhằm khuyến khích các hệ thống phân phối giữ chiết khấu ở mức hợp lý, không tăng giá theo giá xăng dầu. Đồng thời, Sở Công Thương TP HCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM tính toán các giải pháp kết nối với thành phố hỗ trợ DN khẩn cấp.

Đa dạng cách tiếp cận thị trường

Để đưa hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng, ngoài các kênh hiện đại như siêu thị thì thương mại điện tử hay chợ truyền thống là kênh được đánh giá nhiều tiềm năng, như cánh tay nối dài trong chuỗi cung ứng hàng hóa bình ổn, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm bình ổn thuận tiện nhất.

Đến nay, tại các chợ loại 1, loại 2 ở TP HCM, nhiều tiểu thương đã tích cực hưởng ứng và tham gia bán hàng bình ổn trong nhiều năm nay. Chị Nguyễn Thị Thanh Bình – tiểu thương bán các loại rau củ, trái cây ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) – ngoài sạp hàng tại chợ, còn tham gia bán hàng trên Shoppe Food và Zalo. Chị Bình cho hay đã tham gia bán hàng bình ổn thị trường 10 năm nay nên luôn cố gắng giữ giá hàng hóa ở mức thấp nhất để phục vụ khách.

Theo số liệu của Sở Công Thương TP HCM, toàn thành phố có hơn 3.000 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và gần 400 điểm bán hàng lưu động. Ngoài hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thành phố có 235 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối), hơn 160.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ đang tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng cho người dân thành phố mỗi ngày.

Tại hội nghị lấy ý kiến thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình, đại diện các nhà phân phối nhấn mạnh yếu tố phát triển kênh bán hàng bình ổn thị trường ở chợ truyền thống giúp người tiêu dùng nhiều nơi có thể tiếp cận hàng hóa dễ dàng với giá tốt.

Các DN bày tỏ mong muốn các sở, ban, ngành phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, đưa nhiều chợ đạt chuẩn tham gia bình ổn thị trường để mở rộng thêm trong giai đoạn 2023-2032. Song song đó, thông qua hệ thống phân phối của mình, các DN bán lẻ hiện đại tăng cường đưa sản phẩm bình ổn thị trường tiếp cận nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty… nhằm gia tăng hiệu quả của chương trình.

Để chương trình phát huy hiệu quả tối đa, các DN kiến nghị nên mở rộng bình ổn thị trường ngay từ đầu vào phục vụ sản xuất. Theo đó, có cơ chế thực hiện bình ổn thị trường từ khâu cung cấp nguyên liệu đến nuôi trồng, sơ chế. Trên cơ sở đó, DN sản xuất, phân phối điều tiết, chủ động nguồn hàng và giữ ổn định giá dễ dàng hơn.

Giai đoạn 2023-2032, TP HCM định hướng chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ động nguồn cung, điều tiết cung – cầu, phát huy nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế thực hiện bình ổn thị trường. Gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian. Cùng với đó là quản lý thị trường hiệu quả, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất.

BOX A

Việc liên kết chặt với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tại các tỉnh giúp doanh nghiệp tạo nguồn hàng phong phú, chất lượng cho người dân TP HCM

Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện bình ổn thị trường xoay quanh nhân tố chính là hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN; thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa… tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân trong việc tiếp cận, mua sắm hàng bình ổn.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết giai đoạn hiện nay có những cái khó riêng. Trong đó, năng lực phục hồi của từng DN là thách thức mà ngành công thương phải đối diện. Sở Công Thương TP HCM đang tăng cường liên kết với các tỉnh, thành để tạo điều kiện cho hàng hóa, đặc sản các vùng miền mang về TP HCM với mức giá hợp lý cho người dân. Ngược lại, những sản phẩm chế biến tại TP HCM cũng được phục vụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước.


Phương An