Mua bán đồ cũ nở rộ trên “chợ mạng”, nhiều người sợ mua nhầm hàng dỏm

Chuẩn bị thay đổi chỗ ở, chị Mai Hiên (ngụ quận 4, TP HCM) có nhu cầu thanh lý tất cả đồ gia dụng đang sử dụng để mua mới đồng bộ nên rao bán bộ bàn ăn, sofa, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng… trên các website mua bán đồ cũ như thanhlyhangcu.vn, chodocu.com, thumuadocu.com.vn… Chỉ trong vòng 3 ngày, tất cả những món đồ chị cần bán đã được bán xong. 

“Mình chủ yếu chuyển giao lại những món đồ còn có thể sử dụng tốt cho người có nhu cầu nên không kê giá cao, nhờ vậy mua bán nhanh chóng, cả 2 bên đều vui” – chị An Hiên nói. 

Chị Kim Xuân (ngụ quận 3, TP HCM) cũng vừa bán thành công một số quần áo cũ trên chợ mạng. “Tình cờ tôi tìm được trang inhere.vn nhận ký gửi bán quần áo cũ nên đã chọn một số áo, váy còn mới chuyển cho họ bán thử. 

Họ lọc lại 1 lần nữa và chọn được hơn 10 cái để rao bán. Hôm rồi họ thông báo đã bán được 6 cái, giá mỗi cái 100.000 đồng. Với những bộ quần áo không bán được, họ trả về hoặc cho từ thiện” – chị Kim Xuân khoe. 

Thử gõ từ khóa “mua bán đồ cũ” trên google, kết quả hiển thị hàng chục địa chỉ website được quảng cáo là mua bán hàng cũ tốt, giá rẻ, uy tín. 

Báo cáo gần nhất của hãng tư vấn RedSheer Strategy Consultants cho thấy thị trường đồ cũ Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 3 lần, với giá trị lên đến 5,1 tỉ USD trước năm 2026. 

Khảo sát của Carousell Recommerce Index (do Carousell Group, tập đoàn quảng cáo rao vặt hàng đầu ở Đông Á và Đông Nam Á thực hiện) năm 2021 cho thấy 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua. 

Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khảo sát cũng ghi nhận 70% lý do người Việt không chọn mua đồ cũ là do những lo ngại về chất lượng sản phẩm trong các trường hợp bị lỗi, không đúng như mô tả. 

40% người được hỏi chia sẻ rằng việc xác thực hoặc bảo hành đối với các món hàng có thể bị lỗi, hoặc không giống như mô tả sẽ giúp họ dễ dàng ra quyết định mua đồ cũ.

Mua bán đồ cũ nở rộ trên chợ mạng, nhiều người sợ mua nhầm hàng dỏm - Ảnh 1.

Ông Siu Rui Quek, Nhà đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Carousell Group, cho biết Việt Nam nằm trong tốp 3 thị trường tiềm năng nhất.

Để tăng cường trải nghiệm an toàn trong giao dịch mua bán đồ cũ, các sàn thương mại điện tử đều có quy định và tiêu chí minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. 

Ông Nguyễn Trọng Tấn, CEO Chợ Tốt, cho biết Chợ Tốt vừa ra mắt tính năng “thanh toán bảo đảm” giúp người mua giữ bảo đảm an toàn cho số tiền thanh toán đến khi giao dịch được xác nhận thành công. 

Thông qua việc kết hợp với các dịch vụ thanh toán, bao gồm ví điện tử MoMo, Payoo và trong thời gian tới là đơn vị Ahamove cung cấp giải pháp thanh toán khi nhận hàng, các giao dịch qua tính năng “thanh toán bảo đảm” trên Chợ Tốt sẽ được hoàn tiền 100% khi không nhận được hàng hoặc hàng không đúng như mô tả.


P.An